Ngày 30/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai thuộc Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dẫn đầu đã làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang về công trình xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở sông Cái Sắn, phường Mỹ Thạnh, thành Phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu-Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với tổng chiều dài sạt lở là 1.229m, ảnh hưởng đến 74 căn nhà.
Đặc biệt, ngày 9/6 vừa qua, tại tổ 13 khóm Thới Thạnh, phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 40m, ăn sâu vào đường giao thông nông thôn 19m.
Thực hiện xử lý khẩn cấp, ngày 10/6 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã tổ chức cuộc họp về việc xử lý sạt lở rạch Cái Sắn, giao Ủy ban Nhân dân thành phố Long Xuyên là chủ đầu tư công trình.
Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng đã sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách của tỉnh để xử lý, khắc phục kịp thời các đoạn bị sạt lở trên sông Cái Sắn.
Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Trung ương hỗ trợ 280 tỷ đồng để tỉnh An Giang xây dựng kè chống sạt lở sông Cái Sắn.
Dự kiến, kè chống sạt lở sông Cái Sắn được xây dựng với chiều dài toàn tuyến là 2.000m, kè dạng mái nghiêng, tổng kinh phí đầu tư xây dựng khoảng 325 tỷ đồng.
Điểm đầu tại ngã ba Rạch Cái Sắn sâu và Rạch Cái Sắn đến tại ranh giới phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên và xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Để thi công xây dựng kè chống sạt lở sông Cái Sắn, tỉnh An Giang sẽ di dời tái định cư 116 hộ dân; di chuyển 39 hộ tiểu thương ở chợ Cái Sắn.
[Vĩnh Long: Đối thoại với dân bị ảnh hưởng do xây kè chống sạt lở]
Tại buổi làm việc, thay mặt đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai yêu cầu tỉnh An Giang thống nhất sự cần thiết đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Cái Sắn để đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.
Tỉnh An Giang cần làm rõ phạm vi, chiều dài sạt lở; địa điểm sạt lở kèm theo bình đồ, hình ảnh, kết cấu sơ bộ công trình; bổ sung phương án di dời dân cư khu vực sạt lở để làm rõ tính khả thi của việc thực hiện dự án; khai toán kinh phí thực hiện đảm bảo công trình ổn định, bền vững, phát huy hiệu quả đầu tư.
Đoàn cũng lưu ý tỉnh An Giang xác định có bao nhiêu hộ dân buộc phải di dời, tái định cư khi triển khai dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Cái Sắn và khi dự án triển khai không được lấn chiếm sông Cái Sắn, ảnh hưởng đến giao thông thủy.
Cùng ngày 30/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 trên địa bàn tỉnh An Giang.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 loại hình thiên tai như sạt lở đất bờ sông, kênh rạch; dông lốc; sét; lũ; hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại nhiều tài sản của Nhà nước và nhà dân.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 15 điểm sụp lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở gần 1.300m, khiến 79 căn nhà phải di dời khẩn cấp, ước thiệt hại khoảng 3,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mưa, dông, lốc gây thiệt hại 1.280 căn nhà gây thiệt hại trên 12 tỷ đồng.
Trước tình hình diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, đặc biệt là dông lốc và sạt lở đất bờ sông, tại buổi làm việc, đại diện tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh An Giang nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào công tác dự báo, cảnh báo, trong đó có dự báo, cảnh báo sớm sạt lở đất bờ sông; hỗ trợ thực hiện các dự án bố trí di dời ổn định dân cư vùng thiên tai sạt lở, vùng ngập lũ giai đoạn 2018-2020, theo đó hỗ trợ xây dựng 29 cụm tuyến dân cư, quy mô hơn 134ha, bố trí là gần 9.000 hộ; ước tính tổng kinh phí đầu tư là 453 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt của tỉnh An Giang thời gian qua. Riêng các kiến nghị của tỉnh An Giang, Đoàn công tác sẽ ghi nhận, tổng hợp báo cáo với Trung ương để có hướng giải quyết sớm nhất./.