An Giang xác định 3 lĩnh vực trọng tâm để đưa kinh tế tăng tốc

Tỉnh An Giang xác định 3 lĩnh vực trọng tâm và quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, du lịch và biên mậu để tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế tỉnh trong thời gian tới.
Khu du lịch rừng tràm Trà Sư, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm dịp dầu năm mới. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

An Giang xác định 3 lĩnh vực trọng tâm tạo động lực tăng trưởng mới cho kinh tế trong thời gian tới là: kinh tế nông nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu.

Tỉnh quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, du lịch và biên mậu đưa kinh tế tăng tốc.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là vùng đất đặc biệt, vừa có đồng bằng vừa có đồi núi. Đồng bằng An Giang với đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi hai con sông Tiền, sông Hậu thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại. Với những sản phẩm nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản, trái cây, cùng với những tiềm năng về chăn nuôi, dược liệu, An Giang có cơ hội chiếm lĩnh thị trường nông sản toàn cầu.

Hiện tại, An Giang đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh gắn với quy hoạch mới 4 khu công nghiệp, 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.587ha, bao phủ các vùng nguyên liệu lúa, nếp, trái cây, rau màu, thủy sản và dược liệu. Từ đó giúp An Giang hình thành chuỗi sản xuất khép kín, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn khắc khe xuất khẩu.

Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết tỉnh định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài lúa gạo, An Giang sẽ chú trọng phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: cá tra, rau màu và cây ăn trái; cùng nhóm ngành hàng tiềm năng như: chăn nuôi và nấm ăn, dược liệu để cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến lương thực-thực phẩm.

“Với những định hướng, tiềm năng và lợi thế sẵn có, An Giang rất cần những nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản trị cao để khai thác có hiệu quả tiềm năng, biến lợi thế ngành nông nghiệp tỉnh An Giang thành những dự án quy mô lớn, có giá trị cao, từng bước đưa An Giang trở thành địa phương thuộc nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến lương thực-thực phẩm của vùng và cả nước,” ông Mừng cho biết.

Thu hoạch lúa tại tỉnh An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Bên cạnh vùng đồng bằng phì nhiêu, An Giang còn có địa hình đồi núi trải dài từ đông sang tây hình thành nên dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều cảnh quan tươi đẹp…, có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng đặc sắc. Du lịch hiện là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Mỗi năm An Giang thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghĩ dưỡng. Chỉ riêng 11 tháng của năm 2024, An Giang đón khoảng 9 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 77% so với năm 2023 và đạt 163% so với kế hoạch cả năm.

Về phát triển du lịch, An Giang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch sông nước, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, khám phá và trải nghiệm…

Để các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Khu du lịch quốc gia Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên, Cù Lao Giêng, Mỹ Hòa Hưng-cồn Phó Ba, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê… phát triển đúng tiềm năng, lợi thế sẵn có, An Giang rất cần các nhà đầu tư lớn, có năng lực để biến các khu, điểm du lịch trên hấp dẫn, giữ chân du khách.

Với tuyến biên giới dài gần 100km giáp Campuchia, có 2 Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình, An Giang được quy hoạch thành 3 khu vực kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích hơn 30.000ha, thuận lợi để phát triển kinh tế biên mậu đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện tỉnh cũng đã quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại-dịch vụ-logistics và sản xuất công nghiệp để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và khai thác.

Hiện tại, tỉnh An Giang đang triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở quy hoạch, An Giang đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án trọng điểm, có nhiều tiềm năng phát triển như hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu; công nghiệp chế biến lương thực-thực phẩm, công nghiệp nhẹ; phát triển đô thị và nhà ở thương mại; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; thương mại-dịch vụ logistics-du lịch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn…

An Giang cũng cam kết sẽ có nhiều ưu đãi đầu tư về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn và giảm thuế; cùng nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu; các chính sách hỗ trợ khác của địa phương…/.

An Giang: Xuất khẩu sầu riêng bứt phá

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết An Giang cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư, phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây tại tỉnh.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục