An Giang: Thông qua 12 nghị quyết phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh An Giang đặt mục tiêu là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước.
Quang cảnh kỳ họp. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Sáng 30/3, tại Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất biểu quyết thông qua 12 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-ngân sách và văn hóa-xã hội.

Đáng chú ý là các nghị quyết: Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B sử dụng vốn đầu tư công; điều chỉnh, bổ sung phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa giải ngân hết sang thực hiện và giải ngân năm 2023 nguồn vốn ngân sách địa phương; quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thuộc nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số nội dung thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác; quy định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng năm 2023.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có các nghị quyết: Ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực y tế-dân số trên địa bàn tỉnh; quy định mức chi thực hiện Chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2023-2025; quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập; quy định nội dung, mức chi thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh.

[An Giang ước tính xuất siêu 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 237 triệu USD]

Về quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh An Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp, giống thủy sản và dược liệu, là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN; là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng; không gian kinh tế-xã hội được bố trí hợp lý, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối hiệu quả với các địa phương trong vùng.

Đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn của du khách, nhà đầu tư, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, là thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước, là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang, phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang khẳng định, các nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 12 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt và lâu dài của tỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang đề nghị sau kỳ họp, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang chỉ đạo các cấp, ngành sớm đưa các nghị quyết vào cuộc sống. Thường trực, các ban của hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ đại biểu và các vị đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang tăng cường giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung các nghị quyết để nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng, tích cực tham gia và giám sát thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục