Sáng 14/8, Văn phòng thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy (SODC), Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức khai mạc Khóa Tập huấn về công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, phòng chống ma túy cho cán bộ hành pháp Việt Nam.
Tham dự khóa tập huấn có 30 cán bộ thi hành pháp luật gồm hải quan, biên phòng, công an và kiểm lâm thuộc 6 Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) các tỉnh An Giang và Tây Ninh.
Ông Igor Kondratyev, đại diện UNODC phát biểu tại lễ khai mạc.
"Khóa tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và trang bị những kiến thức cơ bản; cách thức chia sẻ thông tin trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong nước và quốc tế; hướng dẫn sử dụng nhanh các chất ma túy và tiền chất cho cán bộ hành pháp Việt Nam và các nước; cập nhật thông tin về thực trạng tình hình và các loại ma túy hiện nay; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia góp phần phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này. Hoạt động này là một trong những hỗ trợ của UNODC đối với mạng lưới bao gồm 76 văn phòng liên lạc qua biên giới tại các quốc gia trong khu vực".
Cũng tại buổi lễ khai mạc, Đại tá Nguyễn Tấn Phước - Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang đánh giá cao khóa tập huấn và cho rằng, khóa tập huấn lần này cũng là dịp để các cơ quan hữu quan Việt Nam trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với cơ quan UNODC trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Đối với các học viên, đây là dịp để các đồng chí tiếp cận, trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và ma túy.
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp và gia tăng nhanh chóng, dưới nhiều hình thức như: tội phạm ma túy, mua bán vũ khí, mua bán người, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao...
Đông Nam Á có thể coi là khu vực hàng đầu thế giới về nguồn, là địa bàn trung chuyển và là điểm đến của ma túy. Vì vậy, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm này luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hành động của các nước và UNODC.
Hiện nay, ngoài tội phạm và tệ nạn ma túy, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức từ tội phạm môi trường, hoạt động mua bán người, mua bán các rác thải, hóa chất độc hại phá hủy tầng ôzôn và hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép…v.v.
Cùng với quá trình toàn cầu hoá, các tổ chức tội phạm luôn khai thác triệt để các điều kiện thuận lợi để mở rộng phạm vi hoạt động ở nhiều quốc gia trên thế giới, câu kết với nhau ngày càng thường xuyên, chặt chẽ hơn. Đây là vấn đề gây thách thức lớn với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước trên thế giới nói chung và các nước như Việt Nam.
Từ năm 1999 đến nay, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ các dự án liên quan đến tổ chức và thành lập các Văn phòng liên lạc qua biên giới, trong đó có dự án PATROL. Đáng chú ý, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động 18 Văn phòng BLO tại 11 tỉnh biên giới, riêng tại An Giang đã thành lập 4 Văn phòng BLO, Tây Ninh 2 văn phòng.
Thông qua cơ chế Văn phòng BLO, Việt Nam đã mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động tội phạm ma túy và các tội phạm khác trong khuôn khổ Chương trình quản lý biên giới và Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 10. Qua từng năm, số vụ, đối tượng phạm tội về ma túy bị phát hiện, bắt giữ ngày càng tăng, đã góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác phòng, chống tội phạm và ma túy qua biên giới.
Khoá tập huấn lần này là một hoạt động hữu ích và cần thiết đối với công tác đào tạo cán bộ tại các học viện thực thi pháp luật về phòng, chống tội phạm của các nước trong thời gian tới. Khóa tập huấn sẽ diễn ra đến hết ngày 17/8.
Một số hình ảnh tại buổi lễ khai mạc: