An Giang: Tạo vùng nguyên liệu sản xuất lúa Nhật chất lượng cao

Nhiều năm Công ty Angimex-Kitoku ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa Nhật Bản với bà con nông dân An Giang, khiến bà con an tâm về giá cả và đầu ra của sản phẩm.
An Giang: Tạo vùng nguyên liệu sản xuất lúa Nhật chất lượng cao ảnh 1Thu hoạch lúa Nhật ở An Giang. (Nguồn: angimex-kitoku)

Nông dân An Giang an tâm sản xuất lúa Nhật là nhận định được đưa ra tại hội nghị tổng kết chương trình trồng lúa Nhật năm 2020, triển khai kế hoạch sản xuất năm 2021 do Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex-Kitoku tổ chức vào ngày 3/11 tại tỉnh An Giang.

Trong năm 2021, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex-Kitoku phối hợp Hội Nông dân tỉnh An Giang thực hiện trồng 3.200ha lúa Nhật, với mức giá bao tiêu từ 5.400-7.300 đồng/kg lúa tươi, tùy theo từng loại giống lúa của nhật như Hana, Akita, Kinu, DS1.

Theo đó, diện tích sản xuất lúa Nhật vụ Đông Xuân 2020-2021 là 1.575ha, vụ Hè Thu là 1.475ha và vụ Thu Đông là 150ha, tập trung ở các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Thành, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) và một phần của tỉnh Kiên Giang.

Ông Hiroshi Sanuki, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex-Kitoku cho biết với phương châm hợp tác gắn kết lâu dài với nông dân và khắc phục những hạn chế từ những năm trước, công ty không ngừng cải tiến trang thiết bị trong việc tiếp nhận lúa, đảm bảo tính xác thực, tạo thêm sự yên tâm và sự hài lòng cho bà con nông dân.

Năm 2020, công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản xuất lúa Nhật với diện tích gần 1.400ha, năng suất bình quân từ 5,5-7 tấn/ha.

Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, từ vụ Đông Xuân 2018-2019 đến nay, Công ty Angimex-Kitoku đã triển khai thực hiện một số diện tích trồng lúa Nhật theo quy trình kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật.

Qua đó, được đông đảo bà con nông dân đồng tình hưởng ứng, sản phẩm công ty thu được đạt chất lượng cao về việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tăng thêm thu nhập cho người nông dân khi tham gia mô hình này.

[Nâng cao chất lượng để gạo Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường]

Do nhà máy sấy nằm trên địa bàn huyện Thoại Sơn nên thời gian tới, công ty mong muốn tổ chức lại vùng sản xuất lúa Nhật tại các xã trong huyện Thoại Sơn để tạo nên vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài, giúp bà con nông dân giảm được chi phí vận chuyển so với các địa phương khác.

Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thuê 2ha đất tại khu vực thành phố Long Xuyên vừa để thực hiện các đề tài nghiên cứu phục vụ cho sản xuất như xây dựng các quy trình kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, nhằm kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trồng thử nghiệm các giống lúa mới…

Đồng thời, vừa kết hợp xây dựng mô hình trình diễn để giới thiệu cho khách hàng và nông dân đến tham quan, nhằm xây dựng nguồn nguyên liệu dự phòng cho công ty trong tương lai.

Ông Huỳnh Phước Hòa, nông dân xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn hợp tác với Công ty Angimex-Kitoku sản xuất 4ha lúa Nhật từ vụ Thu Đông năm 2018 đến nay cho biết khi tham gia sản xuất lúa Nhật, ông cũng như nhiều bà con khác luôn yên tâm về giá cả, không phải lo đầu ra cho sản phẩm vì được công ty ký hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ với giá hợp lý.

Cùng quan điểm trên, anh Bùi Thanh Tuấn, nông dân ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho rằng, từ khi tham gia hợp tác với Công ty Angimex-Kitoku để sản xuất lúa Nhật (từ vụ Thu Đông năm 2018 với 3ha) đến nay, năm nào gia đình anh cũng có lãi từ 20-30 triệu/ha/vụ. Không những thế, anh còn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất nhiệt tình, tối đa từ các nhân viên kỹ thuật của công ty trong suốt mùa vụ.

Đánh giá về mô hình hợp tác sản xuất lúa Nhật giữa công ty Công ty Angimex-Kitoku với bà con nông dân trên địa bàn, ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết qua nhiều năm Công ty Angimex-Kitoku ký kết hợp đồng bao tiêu sản xuất lúa Nhật với bà con nông dân trong xã cho thấy, sản xuất lúa Nhật bà con rất an tâm về giá cả, trong lúc sản xuất lúa khác thì giá cả bấp bênh, lên xuống bất thường, người nông dân không quyết định được giá bán, mà phụ thuộc vào thương lái.

An Giang: Tạo vùng nguyên liệu sản xuất lúa Nhật chất lượng cao ảnh 2Vận chuyển lúa đến AKJ. (Nguồn: angimex-kitoku)

"Điển hình như giá lúa Hè Thu vừa qua, giá lúa giao động từ 5.100-5.500 đồng/kg lúa tươi (tùy từng giống lúa); trong khi đó, giá lúa Nhật hợp đồng bán cho công ty vụ Đông Xuân là 6.600 đồng/kg lúa tươi, vụ Hè Thu và Thu Đông là 6.700 đông/kg lúa tươi. Đặc biệt, nông dân đăng ký sản xuất giống cho công ty, công ty mua vào với giá rất cao là 7.900 đồng/kg lúa tươi (nhưng phải sản xuất theo quy trình, hướng dẫn của công ty).

Nếu so sánh, trong năm 2020, nông dân sản xuất lúa Nhật sẽ cho lãi từ 30-35 triệu đồng/ha/vụ; trong khi sản xuất lúa khác lãi chỉ khoảng 20-25 triệu đồng/ha/vụ. Như vậy trên cùng một đơn vị sản xuất, người nông dân làm lúa Nhật cho lãi hơn 10 triệu đồng/ha/vụ," Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phú Đông Lê Thanh Tùng phân tích.

Phát biểu tại buổi triển khai kế hoạch sản xuất lúa Nhật năm 2021, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa Nhật chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu một cách ổn định và bền vững, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Angimex-Kitoku cần có chiến lược, kế hoạch sản xuất mang tính dài hơi nhằm tạo sự ổn định trong xây dựng vùng nguyên liệu của công ty.

Hiện nay, kế hoạch sản xuất của công ty vẫn chưa ổn định, thay đổi theo từng mùa vụ, từng năm dẫn đến một số nông dân trong cùng khu vực không không được tiếp tục tham gia hợp đồng bao tiêu sản xuất lúa Nhật với công ty mặc dù họ rất muốn tham gia và gắn bó lâu dài.

Song song đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang sẽ đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định 30 của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang về hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, cụ thể là hỗ trợ phát triển liên kết, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Có được sự hỗ trợ này, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện được 2 câu chuyện đó là quy hoạch, phát triển ổn định vùng nguyên liệu và củng cố các Hợp tác xã, tổ hợp tác, giúp các Hợp tác xã, tổ hợp tác và bà con nông dân thay đổi tập quán, thói quen canh tác nông nghiệp theo lối đơn lẻ thuần túy sang sản xuất hàng hóa tập trung của kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lúa gạo bền vững để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời được tham gia hợp tác, liên kết bao tiêu sản phẩm một cách ổn định, lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục