An Giang phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu qua biên giới 10% mỗi năm

Giai đoạn 2021-2025, An Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới tăng 15% so giai đoạn 2016-2020, đạt 9 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng 10%/năm.
Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang) - Cục Hải quan tỉnh An Giang kiểm tra hàng hóa xuất khẩu. (Ảnh: Công Mao/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang vừa phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.”

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, An Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới tăng 15% so giai đoạn 2016-2020, đạt 9 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng trưởng bình quân 10%/năm, đạt khoảng 636,7 triệu USD vào năm 2025, chiếm 42-45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.

Nhập khẩu qua biên giới bình quân tăng 13%/năm, đạt khoảng 65,1 triệu USD vào năm 2025, chiếm 35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh.

Đề án nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong tỉnh, liên kết vùng và hội nhập quốc tế, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Cùng đó, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và phát triển toàn khu kinh tế cửa khẩu An Giang thành 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm quốc gia, trở thành cực tăng trưởng kinh tế năng động và bền vững.

Giai đoạn này, tỉnh tăng cường đầu tư hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh lấp đầy 100% diện tích các khu chức năng đã đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu, góp phần phát triển kinh tế biên giới.

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả chương trình thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh An Giang với các địa phương của Campuchia về phát triển thương mại biên giới.

Bên cạnh đó, An Giang tập trung phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; phát huy vai trò của các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính trong việc kết nối đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Phnom-Penh (Campuchia), đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới.

Tỉnh cũng tập trung nâng cao hiệu quả quản lý thương mại biên giới, tăng cường hợp tác với lực lượng chức năng quản lý thương mại biên giới của Campuchia, xây dựng và củng cố các cơ chế phối hợp song phương trong quản lý thương mại biên giới.

An Giang có đường biên giới dài gần 100km với Campuchia, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới, An Giang tập trung nâng cấp cửa khẩu chính Khánh Bình (huyện An Phú) lên cửa khẩu quốc tế đường bộ và mở lối thông quan đường sông, đường bộ thuộc Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), nhằm đảm bảo nhu cầu trao đổi mua bán hàng hóa của các thương nhân cũng như cư dân biên giới hai nước.

“An Giang tập trung xây dựng danh mục hạ tầng thương mại biên giới ưu tiên đầu tư, nâng cấp cải tạo, bao gồm các dự án sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, các dự án cần mời gọi đầu tư và các dự án khuyến khích xã hội hóa. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động trao đổi, lưu thông hàng hóa tại chợ biên giới, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistic, kho hàng hóa…; phát triển các điểm bán hàng Việt Nam tại các chợ biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Campuchia,” ông Thư thông tin.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng cho biết, tỉnh tiếp tục phối hợp với cơ quan thương mại của tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia) triển khai các hoạt động trong khuôn khổ bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại biên giới; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ tại các khu vực cửa khẩu, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương biên giới.

Thời gian tới An Giang cũng tập trung triển khai các chương trình hợp tác với tỉnh Takeo và Kandal, Vương quốc Campuchia trong các lĩnh vực thương mại, đặc biệt các chương trình hợp tác phát triển kinh tế hạ tầng thương mại biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, ổn định và cùng phát triển.

Tỉnh cũng hỗ trợ thương nhân biên giới tiếp cận vay vốn, phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh và tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục