An Giang: Nóng tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực biên giới

An Giang là địa phương có trữ lượng cát sông lớn, phân bổ ở các huyện, thị xã nằm dọc sông Tiền, sông Hậu, tập trung nhiều nhất tại khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia.
An Giang: Nóng tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực biên giới ảnh 1Khai thác cát ở An Giang. (Nguồn: Báo Lao Động)

An Giang là địa phương có trữ lượng cát sông lớn, phân bổ ở các huyện, thị xã nằm dọc sông Tiền, sông Hậu, tập trung nhiều nhất tại khu vực biên giới tiếp giáp với Campuchia.

Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật, sơ hở trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước để khai thác cát trái phép, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, gây sạt lở bờ sông, mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Điểm nóng vùng biên

An Giang có 8 huyện, thị xã, thành phố nằm dọc sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông khác, với nguồn tài nguyên cát sông khá lớn. Hiện nay, trên địa bàn có 17 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, nạo vét có thu hồi cát sông, qua kiểm tra, tỉnh phát hiện khoảng 30 ghe, sà lan, tải trọng từ 25 tấn đến hơn 70 tấn trang bị máy bơm hút cát trái phép tại các huyện An Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu.

Thị xã Tân Châu là địa bàn đầu nguồn sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, phía đông giáp thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, phía Nam giáp thành phố Châu Đốc (An Giang) nằm dọc theo triền sông Hậu nên Tân Châu có nguồn cát sông dồi dào. Ngoài các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, qua kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện khoảng 16 ghe, sà lan, trọng tải từ 25 đến 70 tấn trang bị máy bơm, hút cát trái phép ở khu vực giáp biên giới Việt Nam-Campuchia, khu vực giáp ranh địa giới hành chính với tỉnh Đồng Tháp, đe dọa sạt lở bờ sông, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Đặng Văn Nê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Tân Châu cho biết thời gian qua, thị xã phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Vĩnh Xương trong công tác phòng, chống khai thác cát khu vực biên giới nhưng không thể đẩy lùi được nạn khai thác cát trái phép vùng giáp biên.

“Trong 2 năm (2017-2018) đoàn kiểm tra liên ngành và thị xã đã tiến hành kiểm tra, xử lý 12 trường hợp khai thác cát trái phép với số tiền 51 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2019 xử phạt 6 trường hợp với số tiền 31 triệu đồng,” ông Nê cho biết.

Thượng tá Đoàn Minh Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh An Giang cho biết do trữ lượng cát sông phân bố nhiều ở các huyện đầu nguồn tiếp giáp với Campuchia và trải dài theo tuyến sông Tiền, sông Hậu nên các đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để tăng cường khai thác cát trái phép, gây khó khăn cho công kiểm tra, phát hiện, xử lý.

“Các đối tượng tăng cường hoạt động khai thác cát trái phép vào ban đêm, ngày nghỉ có cử người theo dõi tổ kiểm tra và sử dụng ghe nhỏ để khai thác cát trái phép nhằm né tránh tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm,” Thượng tá Đoàn Minh Tâm cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Võ Hùng Dũng, hiện trên địa bàn tỉnh An Giang, khu vực giáp ranh giữa An Giang với các tỉnh khác và khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia thuộc 2 huyện An Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu đang là điểm nóng khai thác cát trái phép.

“Hiện chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý số lượng khai thác cát của các doanh nghiệp được cấp phép, thường do doanh nghiệp tự khai báo, vẫn còn tình trạng khai thác vượt công suất cho phép, tác động không tốt đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước,” ông Dũng nói.

Sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng

Trên khu vực sông Tiền, sông Hậu, hiện nay các phương tiện được An Giang hoặc Đồng Tháp cấp phép khai thác có tình trạng lấn tuyến qua địa bàn của nhau để khai thác cát trái phép. Do đoàn kiểm tra không được trang bị thiết bị định vị để xác định ranh giới hành chính nên khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Điển hình như huyện Chợ Mới, địa bàn rộng, lại nằm giữa hai nhánh sông Tiền và sông Hậu, với chiều dài trên 70km, được một lượng phù sa, cát bồi lắng tạo thành những mỏ cát ở đáy sông. Nằm tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp nên các đối tượng khai thác cát trái phép hoạt động chủ yếu vào ban đêm, ngày cuối tuần, ngày lễ luôn cử người theo dõi, canh gác và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao cho biết khi bị phát hiện, các đối tượng này sử dụng máy có công suất lớn để chạy qua địa phận tỉnh Đồng Tháp bỏ trốn hoặc chống trả quyết liệt lực lượng kiểm tra nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình kiểm tra, xử lý.

Ông Đặng Văn Nê, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Tân Châu cũng cho rằng việc kiểm tra tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông chung khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia tại Tân Châu gặp khó khăn do người điều khiển phương tiện khai thác cát trái phép không chấp hành yêu cầu của đoàn kiểm tra. Thậm chí các đối tượng sẵn sàng chống đối và điều khiển phương tiện chạy qua tỉnh Đồng Tháp hoặc vượt biên giới Việt Nam qua Campuchia lẩn trốn.

Nguyên nhân tình trạng này gia tăng, theo lý giải của Thượng tá Đoàn Minh Tâm, một phần do người dân không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định nên vì lợi nhuận cao từ hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển cát trái phép mà sẵn sàng vi phạm.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh còn mỏng, công an cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường nói chung và hoạt động khai thác cát nói riêng, nên hiệu quả đấu tranh với tội phạm này thấp, Thượng tá Đoàn Minh Tâm cho biết.

Thời gian qua, việc khai thác cát trái phép đã làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, an toàn giao thông, đê điều, thất thu ngân sách, kéo theo một số doanh nghiệp xuất hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa số cát đã khai thác trái phép. Nhiều phương tiện vận chuyển cát khi bị kiểm tra, không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc hợp pháp. Tuy nhiên, các đối tượng “chạy” được hóa đơn để cung cấp cho lực lượng chức năng trong vòng 24 giờ theo quy định, nên không bị xử lý.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh An Giang cho biết thời gian qua xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp được thành lập mới chỉ để xuất hóa đơn khống nhằm hợp thức hóa số cát trên khâu lưu thông. Khi cơ quan Công an đề nghị cơ quan thuế xác minh số hóa đơn trên, nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nên cơ quan thuế không có căn cứ xử lý.

Xử lý nghiêm vi phạm

Tại An Giang, hiện nay vẫn còn tình trạng doanh nghiệp khai thác cát vượt công suất cho phép, ảnh hưởng xấu đến địa hình đáy sông. Doanh nghiệp khai thác nhiều nhưng khai báo ít để trốn thuế, phí, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Trong 2 năm qua, Cục Thuế tỉnh An Giang đã kiểm tra, xử lý truy thu, phạt thuế đối với 17 doanh nghiệp, số tiền gần 430 triệu đồng vì hành vi khai sai thuế, bỏ ngoài sổ sách kế toán. Trong 2 năm, các lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra, xử lý 557 trường hợp vi phạm khai thác cát trái phép, với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.

Để đẩy lùi nạn khai thác cát sông trái phép, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh An Giang tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện khai thác cát trái phép, nhất là vào ban đêm, ngày nghỉ. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra liên ngành trong việc kiểm tra các phương tiện khai thác cát trái phép tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Võ Hùng Dũng cũng đề nghị, Cục Thuế tỉnh An Giang có giải pháp kiểm soát đầu ra và tăng cường kiểm tra, xử lý đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ cát không có nguồn gốc hợp pháp để tránh thất thu thuế. Ủy ban Nhân dân tỉnh trang bị máy định vị tọa độ cho lực lượng khi làm nhiệm vụ để xử lý hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép đúng theo quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp các ngành chức năng khẩn trương lắp đặt hệ thống camera an ninh, thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện khai thác cát; rà soát, xác định cụ thể điểm nóng về khai thác cát sông Tiền, sông Hậu ở các địa phương như Tân Châu, Châu Phú, Chợ Mới...

Tỉnh sẽ đo đạc, kiểm tra địa hình đáy sông và thống kê trữ lượng còn lại của tất cả các khu mỏ cát sông đã được cấp phép khai thác để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục khu vực cấp phép khai thác khoáng sản.

Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; rút giấy phép khai thác đối với doanh nghiệp đã được cấp phép nhưng cố tình vi phạm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết.

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cũng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành phố có hoạt động khai thác cát sông lập chốt giám sát 24/24 giờ tại nơi có điểm nóng về khai thác cát; kiên quyết xử lý Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn buông lỏng công tác quản lý để xảy ra điểm nóng về khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục