Tỉnh An Giang vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu “Khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa, Tân Châu-An Giang” do giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Bảo Vệ (Trường Đại học Cần Thơ) làm chủ nhiệm.
Đề tài được thực hiện từ cuối năm 2008 đến nay, nhằm giúp địa phương khôi phục chất lượng, năng suất, kích cỡ trái và mở rộng diện tích trồng để hướng tới xuất khẩu….
Đề tài nghiên cứu chọn bốn loại gốc ghép để so sánh là xoài Thanh Ca, xoài Bưởi, xoài Châu Nghệ và xoài thơm Vĩnh Hòa; qua đó xác định được gốc ghép xoài thơm Vĩnh Hòa có nhiều ưu thế so với các giống còn lại.
Qua 5 năm triển khai kết quả đã công nhận ba cây xoài đầu dòng có phẩm chất trái và năng suất cao, ổn định, đồng thời sản xuất được 1.000 cây xoài giống bằng phương pháp nhân giống vô tính (ghép mắt) và tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình.
Từ đề tài còn xây dựng vườn ươm diện tích 120m2 , có trang bị hệ thống tưới phun và mái che bằng lưới nylon chống chịu tia cực tím (UV) để nhân giống cung cấp 2.000 cây giống cho hộ dân.
Trong khuôn khổ đề tài “Khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa, Tân Châu-An Giang” đã chuyển giao trước mắt 630 cây giống xoài cho chín hộ nông dân xã Vĩnh Hòa.
Các cây giống xoài này là sản phẩm từ cây xoài đầu dòng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang chứng nhận.
Giống xoài thơm là đặc sản của xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, có giá trị kinh tế cao, đã được nhân dân trồng cách nay hơn 100 năm, được trồng ở đất bãi bồi Vĩnh Hòa.
Giống xoài thơm mới cho trái to gần 1/2kg mỗi trái, sáng bóng, đẹp, mùi thơm đặc trưng, năng suất 5-6 tạ trái/cây/vụ, được thương lái nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu mua với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg tùy kích cỡ.
Hiện xoài thơm Vĩnh Hòa đã được xây dựng logo, nhãn hiệu tập thể “Xoài thơm Vĩnh Hòa.” Tuy nhiên xoài thơm Vĩnh Hòa đang bị thoái hóa, cho trái nhỏ không đồng đều, năng suất thấp, giảm dần diện tích trồng.
Đề tài nghiên cứu có ý nghĩa đối với người dân xã Vĩnh Hòa, nhằm giúp địa phương khôi phục chất lượng, năng suất, kích cỡ trái và mở rộng diện tích hình thành vùng sản xuất chuyên canh lên 100ha để hướng tới xuất khẩu, tăng thu nhập cho người dân./.