An Giang khai thác lợi thế phát triển kinh tế biên mậu

An Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 9 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng trưởng bình quân 10%/năm.
Cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang.(Nguồn: Kriss x3)

Với 2 cửa khẩu quốc tế (Tịnh Biên, Vĩnh Xương), 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông), 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai; 13 chợ biên giới; 4 điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới 6 tháng đầu năm của tỉnh An Giang đạt trên 1 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian tới, kinh tế biên mậu sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang.

Phát triển thương mại biên giới

An Giang có đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo (Vương quốc Campuchia), là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia và các nước thành viên ASEAN. Đây là lợi thế của An Giang trong phát triển thương mại biên giới.

Cùng với truyền thống hữu nghị có từ lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và cư dân biên giới thường xuyên mua bán, trao đổi hàng hóa, vừa là đối tác, vừa là bạn hàng tin cậy của nhau, góp phần vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm của địa phương.

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới của tỉnh An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, hàng hóa phong phú với nhiều chủng loại, nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vùng biên và Campuchia.

Hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và cư dân hai bên biên giới diễn ra thông thoáng, không bị ùn tắc tại khu vực cửa khẩu và đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang vẫn đảm bảo hoạt động đúng quy định.

Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa chính ngạch qua địa bàn tỉnh An Giang trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 1,016 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 10 tỉnh có tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, phân bón, gạo, mì gói, sắt thép, bách hóa, quần áo, xi măng, điện năng…Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là đường, lúa, cát sông tự nhiên, quả xoài tươi, sắt thép, giấy phế liệu, mật rỉ mía, nguyên phụ liệu may gia công, trái cây…

Đối với hàng hóa đăng ký tại nơi khác thực hiện xuất qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm đạt ước đạt 785,679 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hàng hóa quá cảnh đạt 153,13 nghìn tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng số phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang trong đạt khoảng 17.864 lượt, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021.

Xác định kinh tế biên mậu là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển của tỉnh, thời gian qua, An Giang đã tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển các loại hình thương mại ở khu vực biên giới như chợ biên giới, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,... đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Đến nay, trên địa bàn 5 huyện, thị xã,  thành phố biên giới của tỉnh có 54 chợ; trong đó, có 13 chợ biên giới, 3 siêu thị Co.opmart Tân Châu; Co.opmart Châu Đốc; Siêu thị Tứ Sơn Châu Đốc và 21 cửa hàng tiện lợi là Bách Hóa Xanh, Winmart+; 4 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận tuân thủ quy định hiện hành.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế và lan tỏa luồng sinh khí mới cho khu vực kinh tế biên mậu, thời gian quan, chất lượng quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu, biên giới ngày càng được nâng cao, các cấp chính quyền địa phương thực hiện tốt và hiệu quả kiến tạo, nâng cao vai trò kinh tế khu vực biên mậu thông qua hoạt động kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

[Kinh tế Kiên Giang đang trên đà phục hồi nhanh chóng]

Ông Nguyễn Thanh Cường, Trưởng Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang hiện có 3 khu kinh tế cửa khẩu gồm: Khánh Bình (huyện An Phú), Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên và Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu).

Đến nay, 3 khu kinh tế cửa khẩu này đã thu hút được 14 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 877,17 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội của địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh.

Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các Khu kinh tế đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc Sportline Apparel của Công ty GRAND SPORT INC tại Khu công nghiệp Xuân Tô (huyện Tịnh Biên) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 300,17 tỷ đồng (tương đương 13 triệu USD).

Đặc biệt, mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong tỉnh, liên kết vùng và hội nhập quốc tế, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

An Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 9 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng trưởng bình quân 10%/năm, đạt khoảng 636,7 triệu USD vào năm 2025, chiếm 42-45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.

Nhập khẩu qua biên giới bình quân tăng 13%/năm, đạt khoảng 65,1 triệu USD vào năm 2025, chiếm 35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh.

Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, tỉnh An Giang thực hiện có hiệu quả chương trình thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh An Giang với các địa phương của Campuchia về phát triển thương mại biên giới; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; phát huy vai trò của các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu quốc gia trong việc kết nối Đồng bằng sông Cửu Long và Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới của tỉnh trong thời gian tới.

Cần cơ chế đặc thù

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiện chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt và chưa có sự hỗ trợ đầu tư vượt trội so với các tỉnh khác trong vùng.

Cùng đó, cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông (cầu, đường) kết nối các khu vực cửa khẩu của tỉnh An Giang hiện đang rất yếu kém, nhưng chưa được Trung ương ưu tiên đầu tư vốn để thực hiện nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhằm tạo điều kiện để phát triển tương xứng là khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia.

Các hoạt động logistics hỗ trợ cho phát triển thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh An Giang chưa hoàn thiện, dịch vụ hỗ trợ hoạt động xuất-nhập khẩu tại các cửa khẩu còn thiếu và yếu, chi phí cao. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp của An Giang với các doanh nghiệp trong cả nước để đẩy mạnh xuất khẩu còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, một số chính sách đầu tư của khu kinh tế cửa khẩu, nhất là chính sách ưu đãi của khu phi thuế quan vừa qua thường xuyên thay đổi gây khó khăn nghiêm trọng cho nhà đầu tư.

Để duy trì và tiếp tục phát huy thế mạnh giao thương khu vực biên giới trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từng bước đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biên giới với mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế An Giang, đưa An Giang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của Vùng và cả nước vào thị trường Campuchia và tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN.

Song song đó, tỉnh An Giang tiếp tục phối hợp với cơ quan thương mại của tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia) triển khai các hoạt động trong khuôn khổ bản ghi nhớ hợp tác phát triển thương mại biên giới; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ tại các khu vực cửa khẩu, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, ổn định và cùng phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục