An Giang: Độc đáo giống lúa ngon mùa nước nổi, nước càng ngập năng suất càng cao

Đây là giống lúa độc đáo, trong suốt quá trình canh tác không cần bón phân, xịt thuốc, làm cỏ. Khi lúa chín, người dân chỉ cần ra đồng thu hoạch, giá bán cao gấp đôi so với lúa cao sản thông thường.

Lúa mùa nổi trổ bông nhiều cho hạt to, tròn. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)
Lúa mùa nổi trổ bông nhiều cho hạt to, tròn. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Tận dụng mùa nước nổi kéo dài từ 5- 6 tháng, người dân trên cồn Phước sống dọc theo sông Mỹ Luông, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, gieo trồng lúa mùa nổi.

Đây là giống lúa độc đáo, trong suốt quá trình canh tác không cần bón phân, xịt thuốc, làm cỏ. Khi lúa chín, người dân chỉ cần ra đồng thu hoạch, giá bán cao gấp đôi so với lúa cao sản thông thường.

Với gần 1ha trồng lúa mùa nổi dọc dòng sông Mỹ Luông, ông Nguyễn Văn Tâm, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới là một trong nhiều hộ dân trên cồn Phước có thâm niên trồng lúa mùa nổi trên 20 năm. Giống lúa ông Tâm gieo trồng là giống Nàng Tây Đùm cho gạo mềm, thơm và được lưu trữ qua các vụ mùa.

Men theo bờ đê thăm cánh đồng lúa vàng sắp thu hoạch, ông Tâm cho biết mỗi năm từ cuối tháng 6 khi nước lũ trên dòng sông Mekong bắt đầu đổ về Đồng bằng sông Cửu Long, gia đình ông tất bật làm đất, xuống giống lúa mùa nổi. Đây là giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo, giàu dinh dưỡng, sống “thuận thiên.

“Khi nước lũ đổ về, nhiều cánh đồng ven sông ngập trong biển nước. Nếu không trồng lúa mùa nổi, đồng ruộng sẽ bỏ hoang. Giống lúa mùa nổi có cơ chế sinh học độc đáo, vươn mình theo mực nước lũ, tự hấp thu phù sa để sinh trưởng. Nhờ đó, cây lúa không cần sự can thiệp của phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân chỉ tốn công gieo trồng, thu hoạch, giúp người dân giảm chi phí, có thêm thu nhập,” ông Tâm chia sẻ.

ttxvn_an giang lua nuoc noi (1).jpeg
Ông Nguyễn Văn Tâm (ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với cây lúa mùa nổi cao hơn 2m chuẩn bị thu hoạch. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Với thâm niên trồng lúa mùa nổi lâu năm, ông Tâm bật mí năm nào nước lũ lên cao, cánh đồng ngập sâu trong nước, thân cây lúa sẽ vươn cao, có cây trên 2m; lúa trổ bông nhiều, cho hạt to, tròn, năng suất cao. Năm nào lũ nhỏ, lúa thấp, lúa ra bông nhỏ, năng suất kém hơn.

Lúa mùa nổi thời gian sinh trưởng trong vòng 6 tháng hoặc dài hơn tùy thời điểm xuống giống. Từ tháng 11-12, khi nước lũ từ đồng rút ra sông cũng là lúc thân lúa ngã rạp trên mặt đất, lúa trổ bông và chín vàng.

Gạo lúa mùa nổi có màu ửng đỏ, cho gạo thơm ngon nên sau thu hoạch người dân để dành ăn quanh năm, nếu còn thừa mới đem bán. Do chất lượng gạo sạch, nên được thương lái thu mua giá gấp đôi giá gạo thường.

Năm nay lũ lớn nên nhiều hộ dân trên cồn Phước trúng mùa lúa nổi, năng suất đạt khoảng 2 tấn/ha. Hiện thương lái thu mua lúa mùa nổi với giá khá cao từ 16.000-17.000 đồng/kg cao gấp đôi so với giống lúa thường. Sau khi trừ hết chi phí nông dân lãi trên 20 triệu đồng/ha.

Sau khi lúa mùa nổi được thu hoạch, nước lũ rút hết khỏi đồng, người dân lại tận dụng rơm sạch làm phân bón để xuống giống đậu nành rau, bắp non, rau, ớt, bí... rất trúng mùa.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, lúa mùa nổi trên địa bàn tỉnh được trồng chủ yếu trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Chợ Mới với tổng diện tích khoảng 76 ha. Do diện tích trồng lúa mùa nổi còn khá khiêm tốn, phụ thuộc lớn vào mùa nước tràn đồng, nên sản phẩm lúa mùa nổi ít được bán rộng rãi ra thị trường.

Vùng đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long lúa mùa nổi được trồng phổ biến từ những năm 1980-1990 trong thời gian nước tràn đồng. Sau này, khi hầu hết địa phương xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ, nông dân chọn giống lúa cao sản canh tác trong vụ 3, nên diện tích lúa mùa nổi bị thu hẹp. Từ đó, chất lượng, năng suất lúa mùa nổi giảm mạnh do nguồn gen bị thoái hóa.

Với mục tiêu bảo tồn, nâng cao giá trị của cây lúa mùa nổi của Đồng bằng sông Cửu Long, Thạc sỹ Lê Thanh Phong, Phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học An Giang đã sưu tầm, nghiên cứu, lai tạo và cho ra đời nhiều giống lúa mùa nổi mới, giúp nông dân nâng cao thu nhập vào mùa nước nổi.

Theo Thạc sỹ Lê Thanh Phong, hiện Viện Biến đổi khí hậu, Trường Đại học An Giang ngoài bảo tồn 300 giống lúa mùa nổi, còn nghiên cứu thành công 2 loại giống mùa nổi đặc trưng của Việt Nam là Hương Lài và Nàng Tây Đùm cho gạo sạch, mềm, thơm.

Sau 5 vụ trồng thí điểm, giống lúa lai đáp ứng nhu cầu thị trường, có khả năng nhân rộng, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Thạc sỹ Lê Thanh Phong cho biết do tác động của biến đổi khí hậu, hiện Viện Biến đổi khí hậu cũng đang đang nghiên cứu giống lúa mùa nổi “thuận thiên,” dù lũ thấp hay không có lũ vẫn trồng được.

Đồng thời, viện cũng sẵn sàng giúp người dân sản xuất đại trà vào mùa nước nổi các giống lúa đang bảo tồn như Nàng Pha, Nàng Tây Đùm, Tàu Binh, Chệch Cụt, Nàng Chồi, Nàng Chi, Bông Sen, Hương Lài.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục