An Giang đầu tư trên 2.130 tỷ đồng xây cầu Châu Đốc vượt sông Hậu

Cầu Châu Đốc dài 667m, rộng 14m với 4 làn xe, khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, thu hút du khách đến với An Giang.
Phối cảnh cầu Châu Đốc sau khi hoàn thành. (Nguồn: thanhnien.vn)

Sáng 28/3, tại phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ Khởi công xây dựng cầu Châu Đốc thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

Đây là một trong những công trình chào mừng Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022).

Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang, cho biết dự án cầu Châu Đốc có chiều dài 667m, rộng 14m với 4 làn xe.

Cầu thiết kế vĩnh cửu bằng kết cấu bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực; trong đó, chiều dài cầu chính 260m; chiều dài cầu dẫn phía thị xã Tân Châu 213,55m và chiều dài cầu dẫn phía thành phố Châu Đốc 193,45m.

Trên tuyến này ngoài cầu Châu Đốc còn có công trình cầu Mương Tri dài 33,4m và cầu Thần Nông dài 33,4m. Tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 2.131 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh An Giang. Thời gian thực hiện dự án 33 tháng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2024.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, khẳng định công trình cầu Châu Đốc nói riêng, Dự án Xây dựng tuyến đường liên kết vùng nói chung có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, phá vỡ thế ngăn cách, tạo kết nối giao thông giữa thành phố Châu Đốc, các huyện, thành phố khác trong tỉnh với thị xã cù lao Tân Châu. Đồng thời kết nối thông thương với cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tương lai.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần thông tuyến Quốc lộ N1 kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới (Long An-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang) và hoàn thiện hệ thống giao thông liên khu vực trong vùng, từ đó sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội tỉnh An Giang, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới Tây Nam.

“Dự án cầu Châu Đốc sẽ góp phần mở rộng không gian đô thị Tân Châu và thành phố Châu Đốc, tạo điều kiện cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, thu hút khách du lịch đến với An Giang; là đòn bẩy trong phát triển kinh tế và mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào An Giang,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục