An Giang dành gần 100 tỷ đồng chăm lo Tết cho gia đình chính sách, người nghèo

Dịp Tết Nguyên đán 2024, tỉnh An Giang dành nguồn ngân sách gần 100 tỷ đồng và huy động các nguồn lực xã hội tặng quà các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo được đón Xuân an vui, đủ đầy.
Bà Đỗ Thị Hồng Vân, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao quà Tết cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ông Châu Văn Ly, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, cho biết dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh dành nguồn ngân sách gần 100 tỷ đồng và huy động các nguồn lực xã hội thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo để mọi người, mọi nhà được đón Xuân an vui, đủ đầy.

Tỉnh trích khoảng 32 tỷ đồng thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng; dành trên 48 tỷ đồng tặng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; hơn 16 tỷ đồng tặng đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội; khoảng 968 triệu đồng tặng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở bảo trợ; trên 1,2 tỷ đồng thăm viếng, hỗ trợ đơn vị Quân đội, Công an, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người cao tuổi...; trên 1,3 tỷ đồng thăm, chúc Tết tại xã, phường khó khăn, chốt Biên phòng, cán bộ chiến sỹ Vùng 5 Hải quân; khoảng 6 tỷ đồng từ Quỹ phòng, chống COVID-19 để trao tặng hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn chịu ảnh hưởng kéo dài của đại dịch.

Riêng đối với 12.806 đối tượng người có công và thân nhân người có công, ngoài suất quà Tết của tỉnh, còn được nhận thêm suất quà Tết của Chủ tịch nước, với số tiền khoảng 3,8 tỷ đồng.

An Giang cũng bố trí kinh phí thăm, tặng quà Tết đối với cán bộ, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, người hưởng bảo hiểm xã hội (1 triệu đồng/người), người hưởng bảo trợ xã hội (600.000 đồng/người), hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn chịu ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19 (500.000 đồng/hộ)... bảo đảm không người dân nào bị thiếu đói, không có Tết.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đề nghị Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ hỗ trợ hơn 1.300 tấn gạo cấp cho 33.455 đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh rà soát, thống kê đầy đủ đối tượng chính sách xã hội, đảm bảo chi trả kịp thời chế độ; chăm lo Tết cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ký kết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang về kế hoạch phối hợp chăm lo Tết, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, các hộ nghèo, cận nghèo trong danh sách quản lý năm 2024, hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận phần quà Tết tối thiểu 300.000 đồng.

Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, các ngành, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang còn vận động hỗ trợ thêm, để mọi người, mọi nhà có điều kiện vui Xuân, đón Tết.

Tỉnh An Giang tăng cường huy động nguồn xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thông qua các hoạt động như phát động Tháng cao điểm Vì người nghèo, vận động Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Cây mùa Xuân-Tết Giáp Thìn năm 2024, chăm lo, hỗ trợ cho người nghèo về nhà ở, vốn sản xuất, khám, chữa bệnh, tặng quà Tết... và thực hiện các chương trình, công trình an sinh xã hội tại địa phương.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như "Tết quân-dân," “Nghĩa tình biên giới,” “Tết Sum vầy-Kết nối yêu thương,” “Tết Nhân ái,” “Tấm vé nghĩa tình,” “Tết cho trẻ em nghèo,” “Xuân nhân ái-Tết sẻ chia,” “Xuân tình nguyện,” “Chung tay vui Tết cùng người nghèo”...

Tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, phối hợp tổ chức hoạt động mừng Đảng-mừng Xuân với tinh thần vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, tập quán tốt đẹp của từng địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục