Chiều 10/6, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết ông vừa ký quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh An Giang từ ngày 10/6.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và đang có chiều hướng lan rộng, khó kiểm soát trên địa bàn tỉnh An Giang như hiện nay, sau khi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh báo cáo, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh nhằm triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống, từng bước khống chế và dập dịch một cách hiệu quả.
Để tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh và các địa phương phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, xem công tác xử lý, khống chế dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường chốt chặn, thiết lập thêm các vị trí chốt kiểm tra lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, cũng như các "cửa ngõ" của tỉnh.
Các địa phương có dịch cần tăng cường theo dõi tình hình, nắm kỹ số lượng các hộ chăn nuôi và đàn lợn trong bán kính 1km cách ổ dịch để quản lý nghiêm, tránh trường hợp hộ chăn nuôi bán lợn chạy bệnh, đồng thời phải xây dựng các phương án cụ thể, kịp thời xử lý đối với vùng có nguy cơ cao bán kính 3km cách vùng dịch.
Song song đó, các địa phương cần chủ động làm tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan và yên tâm sử dụng thịt lợn sạch bệnh, an toàn.
Đối với các địa phương chưa có dịch, cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống và giám sát dịch bệnh; triển khai các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, thực hiện tốt việc kiểm soát giết mổ nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh; vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi và chợ.
Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; kịp thời thông tin đến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh khi phát hiện heo có dấu hiệu nghi vấn nhiễm bệnh.
Ông Trần Tiến Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết tính đến ngày 7/6, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có 13 điểm xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 7/11 huyện, thị xã, thành phố gồm: thành phố Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn và huyện Chợ Mới, với số lượng lợn đã tiêu hủy là 396 con.
[Ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn tăng chóng mặt]
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Ủy ban dân dân tỉnh An Giang đã cấp bổ sung dự toán năm 2019 cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang số tiền gần 17 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2019 để thực hiện chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo ông Hiệp, bên cạnh việc tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang đã phối hợp với các địa phương tiến hành cấp phát 17.000 tài liệu, 1.000 tờ ápphích và tuyên truyền trên phương tiện truyền thanh xã, phường, thị trấn trong tỉnh về dấu hiệu nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; cấp 7.500 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức 11 lớp tập huấn cho đối tượng người nuôi, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, nhân viên chăn nuôi và thú y các xã, phường, thị trấn, trang trại nuôi heo, cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh về các văn bản của nhà nước về công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống và ngăn ngừa cũng như cách xử lý khi có bệnh xảy ra...
Tuy nhiên, thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh An Giang diễn ra khá phức tạp. Thêm vào đó, với địa hình sông, rạch chằng chịt đã khiến cho công tác kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao đã làm cho bệnh lây lan.
"Từ lúc thành lập đến nay, các chốt kiểm dịch tạm thời đường bộ và đường thủy trên địa bàn tỉnh An Giang đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát được 2.661 phương tiện vận chuyển, với số lượng: 4.931 con trâu, bò; 79.719 con lợn; 293.205 con gia cầm và 428.297 kg sản phẩm gia súc gia cầm; qua đó, phát hiện 24 trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm vi phạm. Các trường hợp vi phạm chủ yếu do trốn tránh chốt kiểm dịch và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc," ông Hiệp cho biết./.