Ấn đời Càn Long vẫn được bán bất chấp phản đối

Chiếc ấn ngọc đời Càn Long đã được bán với giá 1,1 triệu euro dù bị dọa kiện do có tin nói nó bị đánh cắp khỏi Di Hòa Viên năm 1860.
Nhà đấu giá Artcurial của Pháp đã bán chiếc ấn cổ bằng ngọc bích của Trung Quốc với giá 1,1 triệu euro (1,4 triệu USD), dù bị dọa kiện do có tin nói chiếc ấn ngọc bị đánh cắp khỏi Di Hòa Viên ở Bắc Kinh trong những năm 1860. Chiếc ấn làm từ ngọc bích có niên đại từ thời Càn Long (1736-1795) và đã được dự kiến đạt giá 200.000 euro (263.000 USD), cuối cùng đã bán được gấp 5 lần con số dự kiến cho một nhà đấu giá qua điện thoại. Hiệp hội Bảo vệ tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc ở Châu Âu (APACE) đã kêu gọi nhà đấu giá Artcurial rút bỏ mặt hàng này, nói rằng nó bị đánh cắp trong năm 1860 khi Di Hòa Viên (Cung điện Mùa hè) bị lính Anh và Pháp cướp phá. Artcurial nói trong catalogue đấu giá của công ty rằng chiếc ấn với chiều cao 2 cm dài 4,5 cm này nằm trong bộ sưu tập của một gia đình ở Pháp, đã sở hữu nó từ thế kỷ 19. Tuy nhiên APACHE dẫn lời Kai Shan Yyan, cựu curator (giám tuyển) ở Bảo tàng Palace, nói rằng chiếc ấn này có thể đã thuộc về các hoàng đế thời Thanh và đã bị đánh cắp. Nhóm cho biết đã thuê một luật sư để tiến hành các hoạt động pháp lý chống lại hoạt động bán đấu giá, gồm việc đâm đơn kiện hình sự về tội ăn cắp và buôn bán hàng ăn cắp, nếu thương vụ vẫn diễn ra. "Chiếc ấn là một phần không thể tách rời của di sản Trung Quốc" - APACHE nói, cho biết thêm rằng không chỉ nhà chức trách mà toàn thể Trung Quốc sẽ rất vui mừng nếu chiếc ấn được rút khỏi cuộc đấu giá. Di Hòa Viên, đã bị lính viễn chinh Pháp và Anh cướp phá trong cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ hai diễn ra từ ngày 18-19/10/1860. Sự kiện được xem nỗi nhục quốc gia của người Trung Quốc trước quân đội phương Tây và mỗi lễ kỷ niệm cuộc chiến tranh này đều khiến tinh thần dân tộc dâng cao.

Một chiếc triện đời Thanh được nhà Sotheby's bán hồi tháng Tám vừa qua (Nguồn: AFP)


Bắc Kinh ước tính có 1,5 triệu cổ vật đã bị cướp phá. Chúng gồm đủ loại khác nhau, từ đồ gốm, các bức tượng, đồ gia dụng, tranh lụa... và đã được buôn bán một cách hợp pháp trong thời gian dài sau vụ cướp phá. Hai hiện vật như thế là tượng đầu vòi nước làm bằng đồng thuộc về nhà thiết kế thời trang Yves Saint Laurent và bạn đời Pierre Berge. Chúng đã được bán với giá 31 triệu euro trong cuộc đấu giá đã khiến Trung Quốc phẫn nộ, nhưng người đấu giá thành công cuối cùng lại từ chối trả tiền./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục