Ấn Độ - yếu tố gây trở ngại trong liên minh "bộ tứ" ở châu Á?

Mỹ đang tăng cường quan hệ an ninh với Ấn Độ, nhưng sự hồi sinh của khối liên minh Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản-Australia cần phải vượt qua sự ngờ vực dai dẳng của New Delhi đối với các đồng minh.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (trái) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi (phải) tại cuộc họp báo ở New Delhi, Ấn Độ ngày 10/4. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Reuters đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng cường quan hệ an ninh với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia, nhưng sự hồi sinh của khối liên minh 4 bên ở châu Á này phải vượt qua sự ngờ vực dai dẳng của New Delhi đối với các đồng minh, điều cản trở sự hợp tác quân sự đích thực.

Các cuộc tập trận hải quân chung là trung tâm của một mối quan hệ mà nhiều nhà phân tích xem như một động thái nhằm đối trọng với sức mạnh gia tăng của Trung Quốc, bằng cách ràng buộc chặt chẽ hơn các nền dân chủ hàng đầu trong khu vực.

Tuy nhiên, trong khi các lực lượng hải quân Mỹ, Nhật Bản và Australia có thể dễ dàng phối hợp với nhau dựa trên những hệ thống tác chiến và liên kết dữ liệu do Mỹ thiết kế, thì Ấn Độ lại nằm ngoài cuộc.

[Cam kết hợp tác vì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở]

Không chỉ phần lớn tàu chiến và máy bay của Ấn Độ là do Nga sản xuất, mà chính quyền và quân đội New Delhi vẫn rất miễn cưỡng chia sẻ dữ liệu và những hệ thống liên lạc quân sự nhạy cảm.

Mặc dù Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tập trận hải quân với quốc gia Nam Á này hơn bất kỳ nước nào, các chuyên gia và nguồn tin hải quân cho rằng cần có thêm nhiều "sự làm quen về văn hóa" hơn là các cuộc tập trận tác chiến chung.

Do Ấn Độ sẽ không ký kết hiệp định về chia sẻ dữ liệu, nên các cuộc tập trận hải quân được tiến hành thông qua những mệnh lệnh văn bản hoặc giọng nói với những trao đổi dữ liệu theo kiểu SMS (tin nhắn nhanh) cơ bản.

Năm ngoái, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận hậu cần quân sự với Mỹ sau một thập kỷ tranh cãi, song 2 hiệp định khác lại đi vào "ngõ cụt."

Theo Mỹ, Hiệp định ghi nhớ về an ninh thông tin và liên lạc (CISMOA) sẽ giúp nước này cung cấp cho đồng minh Nam Á những thiết bị và hệ thống được mã hóa.

Còn Hiệp định hợp tác và trao đổi cơ bản là một thỏa thuận khác sẽ đặt ra một khuôn khổ mà thông qua đó Washington có thể chia sẻ với New Delhi những dữ liệu nhạy cảm để hỗ trợ cho việc định vị và di chuyển trên biển.

Các quan chức quân sự New Delhi tiết lộ nước này quan ngại rằng việc chấp nhận CISMOA sẽ mở ra những kênh liên lạc quân sự với Mỹ và thậm chí cho phép Mỹ theo dõi những hoạt động nơi những lợi ích của hai nước có thể không tương đồng với nhau.

Ngoài ra, Đại tá Gurpreet Khurana, Giám đốc điều hành Quỹ Hàng hải Quốc gia, cho biết quan ngại cơ bản của New Delhi là quyền tự quyết của nước này sẽ bị hạn chế khi ràng buộc quân đội nước này vào những quy tắc và quy trình tác chiến của Mỹ.

Theo David Shear, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, các lực lượng Mỹ, nhất là hải quân, đều nhận thấy rõ những trở ngại về phối hợp tác chiến với phía Ấn Độ nhưng đây sẽ là một dự án lâu dài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục