Ấn Độ và UAE củng cố mối quan hệ kinh tế thông qua CEPA

Ấn Độ và UAE ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện nhằm nâng tổng giá trị thương mại hàng hóa song phương lên trên 100 tỷ USD và thương mại dịch vụ lên trên 15 tỷ USD trong vòng 5 năm.
Cảng hàng hóa Mundra, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang Hội đồng Ấn Độ về các vấn đề quốc tế (ICWA) mới đây đăng bài viết của Nghiên cứu viên cao cấp Lakshmi Priya "Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) củng cố mối quan hệ kinh tế thông qua CEPA." Nội dung bài viết như sau:

Ấn Độ và UAE ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) tháng 2/2022 nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ kinh tế song phương đang phát triển thông qua tự do hóa thương mại và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Hai nước nhận thức được các động lực toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và hướng tới mục tiêu thiết lập một khuôn khổ pháp lý minh bạch hỗ trợ mở rộng thương mại. CEPA tạo cơ hội cho New Delhi và Abu Dhabi thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tạo ra các cách tiếp cận mới bằng cách hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Hiệp định này có tiềm năng nâng tổng giá trị thương mại hàng hóa song phương lên trên 100 tỷ USD và thương mại dịch vụ lên trên 15 tỷ USD trong vòng 5 năm.

Tăng cường quan hệ kinh tế Ấn Độ-UAE

CEPA đã chính thức có hiệu lực vào ngày 1/5 vừa qua. Chuyến hàng đầu tiên dưới thời CEPA bao gồm các sản phẩm đồ trang sức của Ấn Độ-UAE đã được chuyển từ New Delhi đến Dubai.

Trước đó vào tháng 2/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar tuyên bố rằng việc ký kết hiệp định là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước. Ông nói thêm rằng CEPA mở ra những cơ hội mới trong thương mại hàng hóa và dịch vụ, dẫn đến tăng cường đầu tư cho hai đối tác.

Thủ tướng Ấn Độ Modi tuyên bố, CEPA với UAE là một yếu tố thay đổi cuộc chơi cho quan hệ kinh tế Ấn Độ-UAE và cho rằng mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ kinh tế song phương. Ông nói thêm sẽ mở ra những con đường mới cho thương mại và đầu tư và thương mại song phương tăng từ 60 tỷ USD lên 100 tỷ USD trong 5 năm tới.

Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohamed bin Zayed bin Sultan Al Nahyan ca ngợi quan hệ Ấn Độ-UAE, cho rằng việc ký CEPA đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới thú vị trong mối quan hệ lâu đời giữa hai quốc gia. Ông cũng nói rằng Ấn Độ là một trong những đối tác thân thiết nhất và lâu dài nhất của UAE.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế UAE Abdulla bin Touq Al Marri ngày 8/5 đã dẫn đầu một phái đoàn kinh doanh cấp cao sang Ấn Độ để thảo luận về các cách thức thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng thời cho rằng khuôn khổ CEPA là một "viên ngọc quý" trong quan hệ song phương. Ông cũng nói rằng CEPA sẽ giúp tạo ra trị giá thương mại 100 tỷ USD trong lĩnh vực phi dầu mỏ và có tiềm năng tạo ra 250.000 việc làm trong vài năm tới.

[UAE và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức khởi động đàm phán về CEPA]

Phái đoàn của UAE gồm 70 thành viên đại diện cho các lĩnh vực khác nhau như thực phẩm, Đặc khu kinh tế (SEZ), quỹ tài sản quốc gia và hàng không đã tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo ngành. Trong chuyến thăm, hội nghị thượng đỉnh quan hệ đối tác Ấn Độ-UAE do Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) và hai nước tổ chức Cầu nối khởi nghiệp Ấn Độ-UAE như một phần của CEPA.

Cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư của UAE vào các công ty khởi nghiệp của Ấn Độ cũng như tạo điều kiện cho các khóa đào tạo chung cho các cơ sở đào tạo của cả hai nước. CEPA cũng sẽ cung cấp thông tin tiếp cận thị trường cho các công ty khởi nghiệp, cho phép thành lập doanh nghiệp ở cả hai quốc gia và đánh giá khả năng mở rộng hoạt động ở cấp độ toàn cầu.

Bộ trưởng UAE trước đó đã gọi thỏa thuận là một chương mới quan trọng trong lịch sử chung Ấn Độ-UAE, nhấn mạnh rằng CEPA là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ song phương và được xây dựng trên nhiều thập kỷ hợp tác doanh nghiệp. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal cũng nhấn mạnh quan hệ đối tác song phương vững chắc trong phiên khai mạc của hội nghị thượng đỉnh. Ông tuyên bố rằng CEPA mở ra cánh cửa cho nhiều thị trường trên toàn cầu và giúp xây dựng một mối quan hệ đối tác bền chặt và bền vững hơn trong tương lai.

CEPA quy định việc thành lập các ủy ban khác nhau thực hiện hiệu quả hiệp định thương mại. Nó được vận hành và thực hiện thông qua một Ủy ban hỗn hợp do các Bộ đứng đầu họp hai năm một lần để xem xét.

CEPA kêu gọi thành lập Ủy ban Thương mại Hàng hóa (CTG) với nhiệm vụ giám sát và xem xét các biện pháp đã thực hiện và trình bày các khuyến nghị cho Ủy ban Hỗn hợp. Ủy ban họp hai năm một lần và sẽ do cả Ấn Độ và UAE cùng làm chủ tịch. CEPA cũng đề cập đến việc thành lập Hội đồng Kỹ thuật UAE-Ấn Độ về Xúc tiến và Tạo thuận lợi Thương mại và Đầu tư.

Tương tự, New Delhi và Abu Dhabi nhất trí thành lập một Ủy ban chuyên về doanh nghiệp Siêu nhỏ, Nhỏ và Vừa (MSME) thảo luận các phương pháp tốt nhất trong việc hỗ trợ đào tạo, giáo dục thương mại, tài trợ thương mại và thương mại kỹ thuật số cho các nhà xuất khẩu MSME.

Ấn Độ và UAE cũng sẽ thành lập Ủy ban Hợp tác Kinh tế hỗ trợ hợp tác song phương trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, thương mại, nguồn nhân lực, du lịch, công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử, môi trường, truyền thông và năng lượng.

Loại bỏ các hàng rào thuế quan

Theo Điều 2.4 của CEPA, hai nước xóa bỏ thuế hải quan đối với hàng hóa liên quan đến thiết bị và vật liệu khoa học, thể thao. CEPA liệt kê các cam kết thuế quan cụ thể của UAE và Ấn Độ cho hơn lần lượt 7.000 mặt hàng và 11.000 mặt hàng.

Các nhượng bộ thuế quan đối với hàng hóa được thực hiện theo từng giai đoạn thông qua Hạn ngạch thuế quan. Các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, sữa và xăng dầu được liệt kê trong danh sách loại trừ.

Phía UAE yêu cầu Ấn Độ quản lý hạn ngạch thuế quan một cách minh bạch, kịp thời và đáp ứng để giảm bớt gánh nặng cho thương mại. Hai nước nhất trí xem xét các quy định cụ thể về sản phẩm trong vòng hai năm kể từ khi hiệp định này được thực thi.

CEPA cũng đề cập đến điều khoản giảm các rào cản kỹ thuật đối với thương mại bằng cách tăng cường tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thông tin và hợp tác. Các thủ tục hải quan phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ được khuyến nghị, cong vẫn đơn giản, nhất quán và duy trì tính minh bạch và công bằng ở mức độ cao.

Mặc dù lĩnh vực năng lượng bị loại trừ khỏi tất cả các khía cạnh và điều khoản của CEPA, Ấn Độ và UAE đang có kế hoạch thành lập Lực lượng đặc nhiệm hydro chung giúp mở rộng quy mô công nghệ và xác định các cơ hội hợp tác mới để hỗ trợ các yêu cầu năng lượng của Ấn Độ.

Hợp tác về dược phẩm

Trọng tâm chính của CEPA là hợp tác song phương trong lĩnh vực dược phẩm và hai nước đồng ý xây dựng một luật và quy định hải quan minh bạch, không phân biệt đối xử và nhất quán.

Lần đầu tiên trong bất kỳ FTA nào, Phụ lục 5A riêng cho Dược phẩm đã được đưa vào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các sản phẩm dược phẩm của Ấn Độ tại quốc gia đối tác. Nó cung cấp quyền đăng ký tự động và ủy quyền tiếp thị trong 90 ngày đối với các sản phẩm được các cơ quan quản lý từ Mỹ, Anh, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt.

Tuyên bố chung về tầm nhìn Ấn Độ-UAE còn đề cập đến việc hai nước nhất trí hợp tác nghiên cứu, sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng đáng tin cậy cho vaccine. Báo cáo cũng đề cập đến việc tăng cường đầu tư của các thực thể UAE vào cơ sở hạ tầng y tế đang phát triển nhanh chóng ở Ấn Độ và sự hợp tác song phương trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các nước kém may mắn.

Về thương mại kỹ thuật số và quyền sở hữu trí tuệ (IPR)

Hiệp định tập trung vào việc thúc đẩy thương mại kỹ thuật số thông qua Khung giao dịch điện tử trong nước nhằm đảm bảo an ninh mạng và luồng thông tin điện tử xuyên biên giới (Chương 9). Ấn Độ và UAE đồng ý đối thoại về các vấn đề pháp lý liên quan đến thương mại kỹ thuật số, nhằm trao đổi thông tin và kinh nghiệm về nhận dạng kỹ thuật số, bảo vệ dữ liệu, chống rửa tiền và các thông điệp điện tử thương mại không được yêu cầu.

CEPA cũng hướng tới thúc đẩy đổi mới và tạo điều kiện phổ biến kiến thức để phát triển hợp tác về IPR liên quan đến MSME và khoa học và công nghệ (Chương 11). Hai nước sẽ hợp tác về chính sách sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, thực hiện các hiệp định đa phương về sở hữu trí tuệ, bao gồm cả các hiệp định được ký kết dưới sự bảo trợ của WIPO. Ấn Độ và UAE cũng hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật, nguồn gen, tri thức truyền thống và chỉ dẫn địa lý cho các nước đang phát triển.

Hợp tác trong lĩnh vực MSME và Dịch vụ

Ấn Độ và UAE dự định thúc đẩy việc làm và tăng trưởng bằng cách thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa các MSME của hai nước phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm các trung tâm MSME, vườn ươm và cơ sở thúc đẩy (Chương 13). New Delhi và Abu Dhabi thừa nhận vai trò không thể thiếu của khu vực tư nhân và đồng ý tăng cường hợp tác trong các hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp do phụ nữ và thanh niên làm chủ.

Lắp ráp ôtô tại Tamil Nadu, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

CEPA bao gồm 11 hạng mục dịch vụ bao gồm kinh doanh, truyền thông, xây dựng, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, giải trí và vận tải (Chương 8). Ấn Độ và UAE cam kết hỗ trợ khoảng 100 phân ngành dịch vụ vì khu vực này đóng góp 48,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Ấn Độ và 58,2% GDP ở UAE (dữ liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2020). Ấn Độ và UAE cũng đồng ý thúc đẩy để mở rộng thương mại và đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ vì môi trường.

Lợi ích tiềm năng cho Ấn Độ và UAE từ CEPA

Cần lưu ý rằng UAE hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là điểm đến xuất khẩu lớn thứ hai của Ấn Độ. Thương mại song phương đạt trị giá 59 tỷ USD và xuất khẩu của Ấn Độ sang UAE trị giá khoảng 29 tỷ USD cho năm 2019-2020.

Ngoài ra, UAE là nhà đầu tư lớn thứ tám tại Ấn Độ với khoản đầu tư trị giá 18 tỷ USD, và các khoản đầu tư của Ấn Độ vào quốc gia vùng Vịnh lên tới khoảng 85 tỷ USD.

Ấn Độ và UAE được hưởng lợi rất nhiều từ quan hệ đối tác này. CEPA có khả năng mang lại khoản lợi ích trị giá khoảng 26 tỷ USD cho các sản phẩm của Ấn Độ vì chúng hiện đang bị UAE đánh thuế nhập khẩu 5%.

Nhìn chung, UAE đang đề nghị xóa bỏ thuế đối với 97% số dòng thuế và do đó 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ sang UAE được miễn thuế. CEPA có thể giúp kiến tạo việc làm ở Ấn Độ, vì nó cung cấp khả năng tiếp cận thị trường UAE với mức thuế 0% vào các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động của Ấn Độ như đá quý và đồ trang sức, dệt và da, nhựa, đồ gỗ, sản phẩm kỹ thuật và ôtô.

Hiệp định cũng có cơ chế "quy tắc xuất xứ" tự vệ vĩnh viễn để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước khỏi sự gia tăng nhập khẩu do các nhượng bộ thuế quan.

Về lâu dài, UAE có thể hoạt động như một trung tâm tìm nguồn cung ứng cho tuwlieuej sản xuất của Ấn Độ. Hàng hóa có thể được xuất khẩu sang châu Phi và châu Âu sau khi gia tăng giá trị tại UAE. CEPA cũng có một điều khoản về việc công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn và kỹ năng và tạo điều kiện cho các chuyên gia và công nhân lành nghề cung cấp dịch vụ. UAE có khoảng 4,5 triệu người Ấn Độ, trong đó phần lớn làm việc trong lĩnh vực dịch vụ.

CEPA có thể dẫn đến việc hai nước ký kết các hiệp định với các đối tác thương mại khác. Thỏa thuận đối tác báo trước một khởi đầu mới cho UAE vì nước này tham gia vào quan hệ đối tác như vậy lần đầu tiên. Sự thành công của CEPA có thể dẫn đến việc ký kết các thỏa thuận tương tự với các quốc gia khác.

Khi CEPA Ấn Độ-UAE bắt đầu đi vào hoạt động, Oman cũng đang hướng tới việc ký kết FTA với Ấn Độ. Ấn Độ là một bên tham gia thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) từ năm 2004. Ngoài UAE, Ấn Độ đã ký kết CEPA với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mối quan tâm đối với CEPA

CEPA là một công cụ hiệu quả để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại liên quan đến việc thực hiện và lợi ích.

Đầu tiên, biên lợi nhuận ưu đãi mà mỗi đối tác được hưởng có thể không giúp tăng cường đáng kể doanh thu kinh tế. Thứ hai, các biện pháp quản lý do CEPA dự kiến có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện hiệp định này suôn sẻ. Thứ ba, hai đối tác phải thận trọng trước khả năng nhập khẩu tăng đột biến. Thứ tư, việc các nước khác có thể bán phá giá sản phẩm sẽ phải được giải quyết.

Mức độ lợi ích của tỷ suất lợi nhuận ưu đãi sẽ hiện rõ khi thương mại đạt được đà tăng trong vài năm tới. CEPA của Ấn Độ-UAE có quy định về các biện pháp quản lý đặc biệt liên quan đến thương mại kỹ thuật số. Các điều khoản liên quan đến quy tắc xuất xứ, tức là từ Điều 3.1 đến Điều 3.35 đảm bảo rằng việc lách hàng xuất khẩu từ các nước thứ ba không cản trở việc tăng cường quan hệ kinh tế song phương.

Giấy chứng nhận xuất xứ do Bộ Kinh tế UAE cấp cũng giúp ngăn chặn việc vi phạm các quy tắc về tiêu chí xuất xứ. CEPA có một cơ chế tham vấn tích hợp để đảm bảo rằng các nước thứ ba bán phá giá hàng hóa không thoát khỏi các biện pháp chống bán phá giá mà Ấn Độ áp dụng.

CEPA Ấn Độ-UAE là một bước khởi đầu quan trọng, mang tới thay đổi so với cách Ấn Độ nhận thức về các FTA trước đó. Các cuộc đàm phán CEPA được kết thúc trong vòng ba tháng kể từ khi bắt đầu vào tháng 9/2021 và được thực hiện trong vòng ba tháng kể từ khi ký vào tháng 2/2022. Việc thực hiện thỏa thuận sẽ kịp thời thúc đẩy thương mại song phương giữa Ấn Độ và UAE.

Vì lô hàng đầu tiên dưới thời CEPA đã được gửi đi và cả hai bên đều có hy vọng cao về sự thành công của thỏa thuận, nên việc theo dõi, đáp ứng và giao hàng kịp thời là chìa khóa để tăng cường quan hệ kinh tế. Thành công của CEPA sẽ tạo động lực cho quan hệ Ấn Độ-UAE và hai nước mong muốn cùng hành động trong các lĩnh vực mới. Các cột mốc mới cũng được đánh dấu trong tuyên bố tầm nhìn chung Ấn Độ-UAE./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục