Ấn Độ và Australia đã ra tuyên bố chung sau Đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 mới đây, trong đó đề cập đến các vấn đề nóng của khu vực và thế giới.
Tham dự Đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 diễn ra hôm 20/11, về phía Ấn Độ có Ngoại trưởng S Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.
Đại diện của Australia là Ngoại trưởng Penny Wong và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles.
Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng của Ấn Độ và Australia đã bày tỏ ủng hộ “lệnh ngừng bắn nhân đạo” trong cuộc xung đột Hamas-Israel, kêu gọi các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trong đó có cả việc bảo vệ dân thường, đồng thời kêu gọi thả ngay lập tức tất cả những con tin còn lại.
Hai bên cũng cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác trong khu vực về hỗ trợ nhân đạo nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân Palestine ở Dải Gaza.
Các bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp ngoại giao chặt chẽ, bao gồm cả với các đối tác chủ chốt trong khu vực, để ngăn chặn xung đột lan rộng, duy trì sự ổn định ở Trung Đông và nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị và hòa bình lâu dài.
Tại Đối thoại 2+2, các bộ trưởng Ấn Độ và Australia cũng thảo luận về những diễn biến ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Ukraine, trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về xung đột ở Ukraine.
Quốc tế hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel-Hamas
Theo các điều khoản của thỏa thuận, trong thời gian ngừng bắn, phía Hamas sẽ trả tự do cho 50 con tin mà lực lượng này giam giữ, bắt đầu từ ngày 23/11.
Tuyên bố nhấn mạnh các bộ trưởng một lần nữa ủng hộ một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine, duy trì tất cả các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Các bộ trưởng nhấn mạnh tác động ngày càng tăng của cuộc xung đột này đối với hệ thống kinh tế toàn cầu và an ninh lương thực, với những hậu quả chủ yếu ảnh hưởng đến các nước đang phát triển và kém phát triển nhất.
Tại hội nghị, các bộ trưởng của Ấn Độ và Australia cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với những nỗ lực do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn đầu trong việc giải quyết tình hình ở Myanmar và kêu gọi thực hiện đầy đủ Đồng thuận 5 điểm của ASEAN./.