Ấn Độ ủng hộ nỗ lực của LHQ nhằm duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Đại diện thường trực của Ấn Độ tại Liên hợp quốc cho biết nhiệm vụ giải quyết tình trạng thiếu ngũ cốc lương thực ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những hạn chế hiện tại.
Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng gần Kivshovata, vùng Kiev, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại diện thường trực của Ấn Độ tại Liên hợp quốc Ruchira Kamboj ngày 3/8 khẳng định New Delhi ủng hộ nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm tiếp tục duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và hy vọng sớm tìm ra giải pháp cho tình trạng bế tắc hiện nay.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bà Kamboj đánh giá cao vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an của Mỹ (trong tháng 7/2023) cũng như việc Washington đã tập trung giải quyết vấn đề cốt yếu là mất an ninh lương thực do xung đột gây ra.

Đại diện của Ấn Độ nhấn mạnh: “Chúng ta phải hợp tác với nhau để tìm ra các giải pháp chung thông qua đối thoại và ngoại giao. Lựa chọn hòa bình, hợp tác và chủ nghĩa đa phương là điều cần thiết để xây dựng tương lai chung của chúng ta. Tăng cường cấu trúc quốc tế và các hệ thống quản trị để bảo vệ trật tự toàn cầu. Do đó, luật pháp toàn cầu và các giá trị toàn cầu phải là trách nhiệm chung."

Bà Kamboj cũng nêu rõ: “Nhiệm vụ giải quyết tình trạng thiếu ngũ cốc lương thực ngày càng nghiêm trọng đòi hỏi chúng ta phải vượt qua những hạn chế hiện tại. Đối với Ấn Độ, chúng tôi hoàn toàn cam kết tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu đương đại, thể hiện qua tư cách thành viên của mình trong Nhóm ứng phó khủng hoảng toàn cầu (của Liên hợp quốc)."

Ngày 1/8, Đại diện thường trực của Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Linda Thomas-Greefield cho hay có thông tin nói rằng Nga sẵn sàng đàm phán để nối lại thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, song Mỹ chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến hành động đó.

Quan chức ngoại giao Mỹ chia sẻ Mỹ đã chứng kiến những dấu hiệu cho thấy Nga có thể quan tâm đến việc quay lại những cuộc thảo luận và Mỹ đang chờ đợi hành động của Nga.

[Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen]

Đại sứ Thomas-Greenfield cho hay Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đang tiếp tục nỗ lực tìm ra con đường để đưa Nga trở lại thỏa thuận này, đồng thời lưu ý rằng một phần của thỏa thuận là “cung cấp một số hỗ trợ để phân bón của Nga tiếp cận thị trường.

Về phần mình, Nga cho biết nếu những yêu cầu cải thiện hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bốn được đáp ứng, Nga sẽ xem xét khôi phục Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hồi tháng 7/2022 để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Ngũ cốc được chất tại cảng biển Izmail, vùng Odesa, Ukraine ngày 22/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tháng 7/2022, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.

Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và đã hết hiệu lực vào ngày 17/7. Sau thời hạn này, Nga không gia hạn thỏa thuận này với lý do phần thỏa thuận liên quan đến nước này đã không được thực hiện và ngay khi các bên còn lại tuân thủ đầy đủ các cam kết đối với Moskva, Nga sẽ "ngay lập tức" quay trở lại thực hiện thỏa thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục