Trang Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát (ORF) đăng bài phân tích của Nhóm nghiên cứu Lydia Powell, Akhilesh Sati và Vinod Kumar Tomar với tựa đề: "Than nhập khẩu: Nguồn an ninh năng lượng cho Ấn Độ?", với nội dung như sau:
Việc Ấn Độ ngày càng sử dụng nhiều than nhập khẩu làm suy yếu chiến lược “tự lực tự cường” của nước này trong lĩnh vực an ninh năng lượng. Ấn Độ là nhà sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Năm 2020, Ấn Độ có trữ lượng than lớn thứ 5 với hơn 111 tỷ tấn (BT), chỉ sau Trung Quốc - quốc gia có trữ lượng lớn thứ tư là 143 BT.
Mặc có dù trữ lượng than tương đương về số lượng nhưng Trung Quốc đã sản xuất được 3,9 BT than trong năm 2020, cao gấp 5 lần so với sản lượng 759 triệu tấn (MT) của Ấn Độ. Tháng 11/2021 và một lần nữa trong giai đoạn tháng 4-5/2022, một cuộc khủng hoảng cung cấp điện do trữ lượng than thấp tại các nhà máy nhiệt điện đã khiến Chính phủ Ấn Độ phải thúc đẩy các nhà máy phát điện nhập khẩu than.
Lời khuyên này được đưa ra vào thời điểm giá than nhiệt điện trên biển đang ở mức cao nhất.
Thực trạng sản xuất tại Ấn Độ
Trong giai đoạn năm 2002 đến năm 2022, sản lượng than thô (luyện cốc và không luyện cốc – than nhiệt) ở Ấn Độ tăng trưởng hàng năm ở mức 8%. Trong đó, phần lớn sự tăng trưởng đến từ việc tăng sản lượng than nhiệt điện.
Về mặt lịch sử, điều này có nghĩa là Ấn Độ chỉ nhập khẩu than cốc vì trữ lượng không đủ. Tuy nhiên, khi nhu cầu điện tăng nhanh, năm 1993, Ấn Độ bắt đầu nhập khẩu than nhiệt.
Cho đến giữa những năm 2000, khối lượng nhập khẩu than luyện cốc vẫn vượt quá khối lượng nhập khẩu than nhiệt. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong giai đoạn 2005-2006 khi Ấn Độ tăng cường nhập khẩu than nhiệt.
Nguyên nhân là do người tiêu dùng (các nhà máy phát điện nhiệt điện) ưa thích chất lượng than nhiệt. Nhập khẩu than nhiệt tăng nhanh với việc xây dựng các nhà máy điện ven biển chạy bằng than nhập khẩu.
[Ấn Độ đối mặt nguy cơ suy giảm ảnh hưởng kinh tế ở Nam Á]
Trong khoảng thời gian từ 2002-2003 đến 2019-2020 (năm trước đại dịch), nhập khẩu than luyện cốc chỉ tăng từ khoảng 12.947 tấn lên 51.833 tấn, trong khi nhập khẩu than nhiệt tăng từ 10.313 tấn lên hơn 196.704 tấn trong cùng thời kỳ.
Việc gia tăng sử dụng than nhập khẩu không chỉ mâu thuẫn với chiến lược tự lực an ninh năng lượng của Ấn Độ mà còn ảnh hưởng đến khả năng chi trả, một ý tưởng làm nền tảng cho hầu hết các lựa chọn chính sách năng lượng của Ấn Độ.
Indonesia, Australia và Nam Phi cung cấp hơn 80% lượng than nhập khẩu của Ấn Độ. Trong giai đoạn 2020-2021, Indonesia cung cấp 42,98% nhập khẩu than của Ấn Độ, tiếp theo là Australia 25,53% và Nam Phi 14,45%.
Tuy nhiên, khi giá than tăng tại các thị trường này, nhập khẩu đã giảm lần lượt 13,7% (theo năm, so với cùng kỳ năm trước đó) vào tháng 8/2021, 9,1% vào tháng 9/2021 và 3,4% vào tháng 10/2021.
Phần lớn lượng giảm nhập khẩu là than không luyện cốc (than nhiệt). Đây là điển hình của những gì xảy ra trong "thị trường" khi nhu cầu phản ứng với các tín hiệu giá. Một trong những hậu quả tiêu cực của phản ứng thị trường này là việc sản xuất điện từ các nhà máy điện phụ thuộc nhiều hơn vào than nhập khẩu bị tác động tiêu cực. Một số nhà máy này quay lại sử dụng than trong nước.
Điều này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kho than trong nước. Chính phủ đang cố gắng chống lại phản ứng của thị trường bằng cách thúc đẩy các nhà máy nhiệt điện nhập khẩu than để phát điện vào thời điểm giá than quốc tế đang ở mức cao nhất. Điều này gây ra chi phí cho hệ thống điện của Ấn Độ vốn lâu năm đang đứng trên bờ vực của khó khăn tài chính. Hiện tại vẫn chưa rõ gánh nặng chi phí bổ sung này được chia sẻ như thế nào.
Trung Quốc không giống Ấn Độ
Năm 2009, Trung Quốc, cho đến thời điểm đó là nước xuất khẩu than ròng tương đương 15% lượng than giao dịch trên toàn cầu.
Trung Quốc không cần nhập khẩu than, vì nước này có thể sản xuất 2,9 BT than mỗi năm đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, những người mua than ở miền Nam Trung Quốc tham gia thị trường quốc tế để tận dụng chênh lệch giá giữa than giao dịch trong nước và quốc tế. Trung Quốc có thể dễ dàng quyết định mua 15-20% lượng than giao dịch toàn cầu khi giá phù hợp hoặc dễ dàng đứng ngoài thị trường quốc tế.
Mối quan hệ giữa giá than trong nước của Trung Quốc và giá than quốc tế hiện là một trong những yếu tố chính trong việc xác định dòng chảy thương mại than toàn cầu. Trong khi đó, Ấn Độ lại buộc phải tham gia thị trường quốc tế than bất kể giá cả vì sản xuất trong nước không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng của nhu cầu.
Giá than trung bình quốc tế (tại Indonesia, Australia và Nam Phi) tính bằng đồng rupee đã tăng từ khoảng 4.000 rupee/tấn trong giai đoạn 2020-2021 lên hơn 11.000 rupee/tấn trong quý đầu tiên của giai đoạn 2021-2022.
Trái ngược với hành vi nhập khẩu than của Trung Quốc được mô tả là một trong "tối thiểu hóa chi phí," hành vi nhập khẩu của Ấn Độ chỉ có thể được mô tả là một trong "tối đa hóa chi phí. Điều này được thể hiện qua việc chính phủ liên bang phải cố gắng chống lại phản ứng của thị trường bằng cách thúc đẩy các nhà máy nhiệt điện nhập khẩu than để phát điện vào thời điểm giá than quốc tế đang ở mức cao nhất.
Tự chủ dân tộc hay hội nhập quốc tế?
Dưới câu chuyện kể về sự tự lực tự cường, than nhập khẩu làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Ấn Độ. Để giải quyết thách thức này, chính phủ tuyên bố năm 2020 rằng Ấn Độ sẽ tự cung tự cấp than nhiệt vào năm 2023-2024 và các nút thắt hậu cần được tháo gỡ thông qua việc phối hợp với Bộ Đường sắt và Bộ Giao thông vận tải.
Trớ trêu thay, than nhập khẩu lại là nhiên liệu dự phòng cho sản xuất điện, góp phần vào an ninh năng lượng của Ấn Độ trong giai đoạn 2021-2022. Than nhập khẩu cũng thách thức cơ sở lý luận về "khả năng chi trả" được sử dụng để biện minh cho việc sử dụng than trong nước thay vì các lựa chọn thay thế như khí tự nhiên.
Trên thực tế, việc sử dụng than nhập khẩu một cách rầm rộ cho thấy rằng thứ không thể chi trả được về mặt chính trị và kinh tế là “không có sức mạnh” chứ không phải là loại điện đắt tiền.
Hiện nay, nguồn cung năng lượng của Ấn Độ bị gián đoạn và giá cả tăng cao do những biến động chính trị. Thiên tai (sóng thần) và những ảnh hưởng đã làm giảm nguồn cung năng lượng hạt nhân trên thế giới, trong khi lũ lụt ở Australia làm giảm nguồn cung cấp than toàn cầu. Giá dầu bình quân hàng năm hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay là trên 100 USD/thùng.
Các phản ứng đối với sự gián đoạn nguồn cung nhiều lần này được thể hiện ngay lập tức, bởi vì các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Nhật Bản đã hội nhập tốt với thị trường năng lượng toàn cầu. Than và khí đốt chảy vào Nhật Bản đã bù đắp cho sự mất mát năng lượng hạt nhân, vốn chiếm 30% sản lượng điện.
Do đó, thông điệp cơ bản của bài viết trên ORF là hội nhập với các thị trường quốc tế về nhiên liệu thông qua giá cả và mạng lưới hậu cần là một lựa chọn tốt hơn cho an ninh năng lượng so với quan niệm dân tộc tự chủ./.