Ấn Độ tiếp tục ghi nhận gần 90.000 ca nhiễm COVID-19 mới

Tính đến nay, tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ lần lượt là 4.370.128 ca và 73.890 ca; Ấn Độ hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một khu chợ ở Bangalore, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 9/9, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 89.706 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 1.115 ca tử vong.

Tính đến nay, tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ lần lượt là 4.370.128 ca và 73.890 ca. Ấn Độ hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Nước này đang chứng kiến số ca COVID-19 gia tăng mạnh trong thời gian qua, đạt mốc 2 triệu ca vào ngày 7/8, sau đó là 3 triệu ca vào ngày 23/8 và đến ngày 5/9, số bệnh nhân đã lên tới 4 triệu ca.

Giới chuyên gia lo ngại xu hướng này sẽ diễn ra nhanh hơn với việc Ấn Độ trong tháng này bắt đầu từng bước nối lại dịch vụ tàu điện ngầm, mở cửa một phần trường học, mở trở lại quán bar và hộp đêm.

Thứ trưởng Y tế Rajesh Bhushan nhấn mạnh tỷ lệ số ca nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ là 3.102 ca/1 triệu dân, trong khi tỷ lệ tử vong là 1,7%, đều thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

Đến nay Ấn Độ đã tiến hành tổng cộng hơn 51,8 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, với tỷ lệ xét nghiệm đã tăng mạnh từ 6.396 lượt/1 triệu dân vào ngày 1/7 lên 36.703 lượt hiện nay.

Cùng ngày, Bộ Y tế Ấn Độ đã công bố Quy trình Vận hành tiêu chuẩn (SOPs), liệt kê chi tiết các quy định học sinh và nhà trường cần thực hiện để đảm bảo an toàn cho việc mở cửa trường học đón học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 trở lại từ ngày 21/9.

Cụ thể, học sinh muốn quay trở lại trường học phải có đơn xin tự nguyện của cha mẹ và người giám hộ. Trong thời gian học nội trú, học sinh không được dùng chung dụng cụ học tập, chai nước uống, cấm hoạt động tụ tập đông người và các hoạt động thể thao, khuyến khích hình thức học tập trực tuyến và đảm bảo thực hiện đầy đủ khai báo y tế.

Trong lớp học, mỗi học sinh phải đảm bảo khoảng cách 1,8m, học sinh và giáo viên đều phải đeo khẩu trang trong quá trình giảng dạy và học tập...

[Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ tháng 7]

SOPs đặc biệt lưu ý đến những đối tượng làm việc trong trường học thuộc nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao gồm người già, phụ nữ trong trong thai kỳ và nhân viên có tình trạng sức khỏe dưới mức bình thường.

Bộ trên cũng yêu cầu phun thuốc khử trùng trên diện rộng tại trường học ngay lập tức nếu phát hiện trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

COVID-19 đe dọa tính mạng của hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi

Ngày 9/9, Liên hợp quốc cảnh báo sự gián đoạn trong các dịch vụ y tế do đại dịch COVID-19 đang đẩy thêm hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới đối diện với các nguy cơ đe dọa tính mạng, đồng thời cảnh báo đại dịch có nguy cơ đảo ngược những tiến bộ đạt được trong nhiều thập kỷ về giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ.

Tiêm chủng vắcxin phòng sởi và bại liệt cho trẻ em tại Mogadishu, Somalia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo điều tra mới đây do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành tại 77 quốc gia, hoạt động khám chữa bệnh và tiêm chủng ở trẻ em tại ít nhất 68% số các nước này đã bị gián đoạn trong thời gian qua do đại dịch COVID-19.

Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết, trẻ em và các bà mẹ ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đang không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế do hệ thống bệnh viện bị quá tải. Bà nhấn mạnh nếu không có sự đầu tư khẩn cấp để tái khởi động các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có nguy cơ tử vong.

Báo cáo điều tra cũng nhấn mạnh trong 30 năm qua, thế giới đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong ngăn ngừa hoặc giảm thiểu các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ nhỏ, trong đó có sinh non và viêm phổi.

Cụ thể, năm 2019 được ghi nhận là năm có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong ở mức thấp nhất khi chỉ có 5,2 triệu trẻ em tử vong vì các bệnh có thể phòng ngừa được, giảm mạnh so với con số 12,5 triệu trẻ của năm 1990, và chỉ còn bảy quốc gia có tỷ lệ tử vong ở trẻ em trên 5%.

Tuy nhiên, UNICEF cảnh báo đại dịch COVID-19 có nguy cơ phá hủy tất cả thành quả trên nếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em định kỳ không được đảm bảo.

Trước đó, một cuộc điều tra khác do Đại học Tổng hợp Johns Hopkins (Mỹ) tiến hành hồi đầu năm nay cũng cảnh báo trong tương lai gần sẽ có khoảng 6.000 trẻ em tử vong mỗi ngày nếu như tình trạng các dịch vụ y tế bị đình trệ do COVID-19 tiếp tục kéo dài trong trung hạn.

Theo báo cáo, trong năm ngoái, có bảy nước ghi nhận tỷ lệ trẻ em tử vong là hơn 50 em/1.000 trẻ được sinh ra. Tại Afghanistan, cứ 17 trẻ thì có một trẻ tử vong dưới 5 tuổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục