Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, vụ thử nghiệm tên lửa hành trình Nirbhay của nước này tại bang miền Đông Orissa ngày 21/12 đã thất bại.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin các giám sát viên thuộc Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) đã đề nghị trung tâm ở bang Bangalore kiểm tra nguyên nhân dẫn đến vụ phóng thử không thành công này.
Tờ Indian Express cho biết cuộc thử nghiệm tên lửa Nirbhay lần thứ 4 đã thất bại vì lỗi hệ thống.
Từ năm 2013 đến nay, Ấn Độ chỉ thử nghiệm thành công tên lửa Nirbhay một lần duy nhất.
Trước đó, có nguồn tin cho biết tên lửa Nirbhay thử nghiệm lần này được tích hợp công nghệ dẫn đường của tên lửa BrahMos để đánh giá hiệu suất bay ở tầm thấp nhằm tránh bị phát hiện sớm bởi hệ thống radar.
Sau khi gia nhập Hiệp ước Kiểm soát Công nghệ tên lửa (MTCR), Ấn Độ và Nga đã nhất trí tổ chức thảo luận các thông số kỹ thuật để mở rộng tầm bắn của tên lửa BrahMos từ 292 km lên tới 600km.
Đây được xem là một giải pháp cho các binh chủng của Ấn Độ khi phụ thuộc vào chương trình tên lửa hành trình Nirbhay với khả năng tấn công tầm xa.
Tuy nhiên, các vụ thử nghiệm thất bại liên tiếp đã làm dấy lên mối quan ngại trong giới khoa học Ấn Độ về các dự án được thực hiện bởi DRDO.
Vụ thử nghiệm tên lửa Nirbhay lần thứ 4 thất bại có thể tác động đến lộ trình nâng cấp năng lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ấn Độ.
DRDO đã lên kế hoạch trang bị tên lửa hành trình Nirbhay cho lực lượng hải quân Ấn Độ và đang có kế hoạch phát triển hai phiên bản mới của loại tên lửa này với tầm bắn 1.000km và loại tầm bắn từ 350-500km./.