Sau đêm lễ hội Diwali của người Hindu (lễ hội mùa Thu hoặc lễ hội ánh sáng) với lượng lớn các loại pháo được đốt, sáng ngày 31/10, thủ đô New Delhi của Ấn Độ và các vùng ngoại ô chìm trong màn khói bụi dày đặc, che lấp cảnh quan, len lỏi vào các căn hộ và cả trong các đường hầm tàu điện ngầm.
Theo giới chức cơ quan Nghiên cứu và Dự báo chất lượng không khí (SAFAR), sau loạt pháo cuối cùng lúc nửa đêm, các máy đo đã ghi nhận lượng khói bụi trong không khí vượt mức kỷ lục 1.000 microgram/m3 tại RK Puram tại khu vực phía Nam thành phố, gấp 10 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Gufran Beig, nhà khoa học hàng đầu ở SAFAR, cho biết khói bụi đã giảm dần trong đêm, nhưng tại nhiều khu vực độ dày đặc vẫn duy trì ở mức 700 microgram/m3.
Ông Beig cho rằng khoảng 60-70% khói bụi do đốt pháo và lễ hội Diwali được xem là một trong những dịp không khí ô nhiễm nhất trong năm. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra những bệnh nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp ở người dân New Delhi.
Nhà chức trách khuyến cáo người dân hạn chế tham gia những hoạt động ngoài trời.
Chất lượng không khí tại Delhi đã liên tục giảm sút những năm gần đây, là hậu quả của quá trình đô thị hoá và phát triển công nghiệp nhanh chóng. Vào mùa Đông, tình trạng càng trở nên nghiêm trọng do người dân trong thành phố và các vùng lân cận đốt lửa để sưởi ấm.
Trong nỗ lực kêu gọi chính quyền địa phương cần phải hành động, tòa án thành phố năm ngoái đã mô tả không khí tại thủ đô như "một phòng đầy khí gas."
Trước thềm một hội nghị của Liên hợp quốc về khí hậu tổ chức tại Marrakech, Maroc, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 31/10 đã công bố một báo cáo về tình trạng ô nhiễm không khí gây tác hại đối với sức khoẻ trẻ em.
Theo đó, cứ 7 trẻ em trên thế giới có một em (tương đương 300 triệu) phải hít thở không khí ngoài trời ô nhiễm gấp 6 lần tiêu chuẩn quốc tế. Phần lớn những trẻ em này sống ở khu vực Đông Nam Á./.