Bộ Công nghệ Ấn Độ ngày 15/12 thông báo nước này đã phê chuẩn một kế hoạch trị giá 10 tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất màn hình và thiết bị bán dẫn. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất đồ điện tử toàn cầu.
Theo kế hoạch trên, Chính phủ Ấn Độ sẽ tăng hỗ trợ tài chính tới 50% chi phí dự án cho các nhà sản xuất màn hình và thiết bị bán dẫn.
Nguồn tin của chính phủ cho biết công ty Tower Semiconductor của Israel và Foxconn của Đài Loan (Trung Quốc) và một tập đoàn từ Singapore đang quan tâm đến việc xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Ấn Độ.
Trong khi đó, tập đoàn Vedanta đang tìm cách lập một nhà máy sản xuất màn hình tại đây. Tuy nhiên, Tower, Foxconn và Vedanta chưa đưa ra bình luận gì về việc này.
Tuyên bố của chính phủ nêu rõ: “Chương trình này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới sản xuất đồ điện tử bằng cách đưa ra gói khuyến khích cạnh tranh toàn cầu cho các công ty thiết kế và sản xuất màn hình và thiết bị bán dẫn."
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh một số công ty đang tìm cách đa dạng hóa cơ sở sản xuất ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc do tranh cãi thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang tìm cách bước lên bậc trên trong chuỗi giá trị đồ điện tử.
Kế hoạch của Ấn Độ cũng được xem là đúng thời điểm khi các công ty sản xuất ôtô và công ty công nghệ trên khắp thế giới đang đối mặt với tình trạng khan hiếm chip toàn cầu.
New Delhi cũng phê chuẩn một kế hoạch kích thích nhằm hỗ trợ 100 công ty trong nước trong lĩnh vực thiết kế chipset và mạch điện tử (IC).
[Hai công cụ mới hứa hẹn cải thiện thị trường chip xe điện toàn cầu]
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Công nghệ Ashwini Vaishnaw cho biết kế hoạch trên sẽ giúp phát triển “hệ sinh thái bán dẫn toàn diện, từ thiết kế chip bán dẫn đến sản xuất, đóng gói và thử nghiệm hoàn toàn trong nước."
Chính phủ Ấn Độ hy vọng cơ chế này sẽ tạo ra khoảng 35.000 việc làm chất lượng cao, 100.000 việc làm gián tiếp và thu hút đầu tư khoảng 1.670 tỷ rupee (8,8 tỷ USD).
Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thông báo gói kích thích kinh tế trị giá 30 tỷ USD nhằm thu hút các nhà sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới mở cửa hàng tại Ấn Độ và tạo một cú hích cho ngành công nghiệp trong nước.
Nỗ lực này đã giúp Ấn Độ trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, đồng thời giúp Ấn Độ giành được nhiều cam kết đầu tư từ các tập đoàn lớn như Foxconn, Wistron và Pegatron - vốn là 3 nhà sản xuất hợp đồng quan trọng nhất của hãng Apple./.