Ấn Độ thiệt hại 22 tỷ USD mỗi năm do ùn tắc giao thông giờ cao điểm

Theo công ty Uber, bốn thành phố hàng đầu của Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Bangalore và Kolkata có tỷ lệ tắc nghẽn giao thông cao hơn 149% so với thành phố khác ở châu Á.
Cảnh tắc đường ở New Delhi. (Nguồn: hindustantimes.com)

Một nghiên cứu do công ty Uber công bố ngày 18/4 cho thấy bốn thành phố hàng đầu của Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Bangalore và Kolkata có tỷ lệ tắc nghẽn giao thông cao hơn 149% so với các thành phố khác ở châu Á, và nước này tốn phí 22 tỷ USD cho việc đi lại mỗi năm trong các giờ cao điểm so với các giờ không cao điểm tại bốn thành phố trên.

Nghiên cứu còn cho hay trung bình, người tham gia giao thông ở bốn thành phố trên mất khoảng thời gian nhiều hơn 1,5 lần cho việc đi lại so với các thành phố khác đối với cùng một khoảng cách, và giải pháp duy nhất để loại bỏ nguy cơ giao thông này là đi xe chung.

Chủ tịch Uber tại Ấn Độ và Nam Á Amit Jain cho biết thông qua nghiên cứu này, hãng hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của những nhà quản lý và hoạch định đô thị đối với việc xử lý xe chung và xe cá nhân.

[Ấn Độ lên kế hoạch xây đường cao tốc ngăn lũ dài 1.300km]

Theo nhóm nghiên cứu trên, có tới 89% người dân ở Ấn Độ có kế hoạch mua xe mới trong năm năm tới, nhưng hơn 79% trong số này sẽ tạm thời không mua xe nữa nếu dịch vụ đi xe chung cho thấy sự tiện lợi.

Trong khi đó, quan chức điều hành cấp cao toàn cầu của Uber Barney Harford nhận định nếu xu hướng sở hữu xe riêng vẫn còn được duy trì, chỉ vài năm tới các thành phố của Ấn Độ sẽ đối mặt với nguy cơ tắc nghẽn.

Ông cũng cho rằng đi xe chung có thể là giải pháp cho tình trạng ùn tắc giao thông. Cụ thể, việc đi xe chung sẽ giúp giảm số xe tư nhân từ 33-68% và có thể giúp giảm ùn tắc khoảng 17-31%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục