Trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari cho biết quốc gia Nam Á này sẵn sàng đầu tư hơn 15 tỷ USD vào các dự án phát triển tại Iran nếu Tehran đưa ra các điều kiện tốt hơn như giảm giá khí đốt xuất sang nước này.
Ông Gadkari cho biết Ấn Độ muốn mua khí đốt với mức giá 1,5 USD mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), so với con số mà Iran đề xuất là 2,95 USD mỗi mmBtu, để đổi lại sẽ xây dựng nhà máy urea ở Iran.
Hồi tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đề nghị Ấn Độ đóng góp vai trò quan trọng hơn trong các dự án hạ tầng của nước này, trong đó có cả dự án phát triển cảng Chabahar.
Ấn Độ hy vọng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng cho lời đề nghị của Iran vào đầu tháng 10 tới, sau khi nhận được báo cáo từ các bộ liên quan.
Dự án cảng Chabahar, cảng có vị trí chiến lược nằm ở Đông Nam Iran, là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ nhằm cạnh tranh với đối thủ Pakistan, quốc gia sở hữu cảng biển Gwadar, được coi là điểm trung chuyển hàng hóa của Ấn Độ sang các nước khác.
Đồng thời, dự án này cũng sẽ mở ra một tuyến đường quan trọng dẫn đến lãnh thổ Afghanistan, nơi Ấn Độ đang xây dựng mối quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ và nhiều lợi ích kinh tế khác.
Ngoài ra, Chabahar còn trở thành một cửa ngõ quan trọng kết nối với các quốc gia giàu tài nguyên ở Trung Á.
Tháng 5/2015, Bộ trưởng Gadkari và người đồng cấp Iran Abbas Ahmad Akhoundi đã ký kết một thỏa thuận trị giá 85 triệu USD cho phép Ấn Độ được thuê hai bến tàu tại cảng Chabahar và được sử dụng cho các mục đích vận tải khác nhau.
Với việc các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran sẽ sớm được dỡ bỏ, New Delhi hy vọng sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn và vững chắc hơn trong các dự án phát triển của Iran thông qua các hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất phân bón và hóa dầu sử dụng khí đốt.
Ấn Độ cho rằng việc xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón tại Iran và nhập các sản phẩm của nhà máy này về nước sẽ giúp nước này tiết kiệm được khoảng 12,1 tỷ USD tiền trợ cấp của nhà nước và giảm giá thành phân bón xuống còn một nửa.
Ấn Độ là một trong số ít nước vẫn có mối quan hệ thương mại với Iran, nước đang bị các nước Phương Tây cô lập do chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.
Hiện New Delhi cũng là khách hàng dầu mỏ lớn thứ hai của Tehran, sau Trung Quốc./.