Ấn Độ rà soát cuối kỳ thuế áp thuế chống bán phá giá ván sợi Việt Nam

Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ đã ra thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm ván sợi MDF có độ dày từ 6mm trở lên có xuất xứ từ Việt Nam.
Ấn Độ rà soát cuối kỳ thuế áp thuế chống bán phá giá ván sợi Việt Nam ảnh 1Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghiệp MDF tại Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) đã ra thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm ván sợi MDF có độ dày từ 6mm trở lên có xuất xứ từ Việt Nam.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, mục đích của việc rà soát là nhằm xem xét sự cần thiết tiếp tục áp dụng thuế hoặc đánh giá khả năng tiếp diễn hành vi bán phá giá gây ra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước nếu chấm dứt biện pháp.

Do đó, hàng hóa bị rà soát là ván sợi MDF có độ dày từ 6mm trở lên, được phân loại theo mã HS 4411.13.00; 4411.14.00.

Thời kỳ rà soát bán phá giá từ ngày 1/7/2019-31/12/2020; thiệt hại từ ngày 1/4/2016 – 31/12/2020. Nguyên đơn là công ty Greenply Industries Limited/Greenpanel Industries Limited and Rushil Decor Limited.

[Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm ván sợi từ Việt Nam]

Đây là vụ việc rà soát lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ván sợi MDF có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia, được DGTR ban hành năm 2016.

Sau khi ra thông báo, DGTR sẽ gửi Bản câu hỏi rà soát cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng. Các bên quan tâm khác có thể nộp ý kiến, lập luận của mình thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng để DGTR nghiên cứu, xem xét.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp dịch bệnh COVID-19, mọi thông tin liên quan đến vụ việc cần được gửi tới các địa chỉ email: adg12-dgtr@gov.in; adv13-dgtr@gov.in; jd13-dgtr@gov.in và dd14-dgtr@gov.in.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu liên quan nghiên cứu kỹ các tài liệu, thông tin liên quan tới vụ việc; hợp tác đầy đủ, toàn diện, thực hiện đúng hướng dẫn của DGTR; đăng ký làm bên liên quan và trả lời bản câu hỏi điều tra đúng thời hạn.

Ngoài ra, doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng luật sư, đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực chống bán phá giá tại thị trường Ấn Độ để đạt kết quả kháng kiện tốt nhất; thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác tại Ấn Độ để thu thập thông tin và yêu cầu DGTR xem xét toàn diện lợi ích kinh tế cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Ấn Độ; thường xuyên liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và hỗ trợ kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục