Ngày 31/3, Bộ Tư lệnh miền Tây của Lục quân Ấn Độ đã phóng thử thành công Hệ thống tên lửa đất đối không Akash.
Cuộc thử nghiệm được tiến hành trong khuôn khổ hoạt động diễn tập thường kỳ nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng của lực lượng phòng thủ.
Hệ thống tên lửa đất đối không Akash tầm trung được Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) thiết kế và phát triển trong nước nhằm thúc đẩy sáng kiến “Ấn Độ tự cường” (Atma Nirbhar Bharat). Akash được phát triển theo Chương trình phát triển tên lửa dẫn đường tích hợp (IGMDP).
Hai phiên bản của tên lửa này đã được chế tạo cho Không quân Ấn Độ và Lục quân Ấn Độ. Tên lửa Akash đầu tiên đã được bàn giao cho Không quân Ấn Độ vào tháng 3/2012 và tới tháng 7/2015 tên lửa này mới chính thức được đưa vào biên chế cho Không quân Ấn Độ.
Lô tên lửa Akash đầu tiên được đưa vào biên chế cho Lục quân Ấn Độ là vào tháng 5/2015.
Hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Akash có thể tấn công nhiều mục tiêu trên không trong khi hoạt động ở chế độ tự động hoàn toàn.
Hệ thống này bao gồm bệ phóng, tên lửa, trung tâm điều khiển, hệ thống hướng dẫn nhiệm vụ tích hợp, radar điều khiển hỏa lực đa chức năng, cơ chế kích nổ và vũ trang hệ thống, hệ thống lái tự động kỹ thuật số, trung tâm C4I (chỉ huy, điều khiển, liên lạc và tình báo) và thiết bị hỗ trợ mặt đất./.
Ấn Độ lần đầu phóng thử thành công tên lửa mang nhiều đầu đạn tự chế
Các nhà khoa học Ấn Độ đã tích hợp công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) vào tên lửa Agni-V, giúp tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn để tấn công các mục tiêu khác nhau.