Ấn Đô đang từng bước khẳng định tham vọng trở thành trung tâm bán dẫn lớn của thế giới, đồng thời thu hút các công ty nước ngoài đến thiết lập hoạt động tại nước này.
Theo hãng tin Reuters, để hiện thực hóa tham vọng này, Ấn Độ vừa công bố phê duyệt ba dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn (chip), với tổng kinh phí lên đến 15 tỷ USD.
Thông báo từ Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ cho biết các dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình Phát triển Chất bán dẫn và Hệ sinh thái Sản xuất Màn hình trị giá 760 tỷ rupee (khoảng 9,17 tỷ USD) đã được công bố vào cuối năm 2021.
Dự án thứ nhất là nhà máy do tập đoàn Tata Electronics của Ấn Độ hợp tác với Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Powerchip (PSMC) của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) thiết lập. Tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD, với công suất nhà máy dự kiến đạt 50.000 tấm silicon bán dẫn (wafers) mỗi tháng.
Nhà máy thứ hai là ATMP, do hai công ty công nghệ nội địa là Tata Semiconductor Asembly và Test Pvt Ltd đầu tư, với khoản kinh phí 3,26 tỷ USD. Cơ sở này sẽ tham gia vào việc đóng gói và thử nghiệm chip bản địa. Sản lượng dự kiến là 48 triệu chip/ngày dùng trong các sản phẩm ôtô, điện tử tiêu dùng, viễn thông và điện thoại di động.
Cuối cùng là nhà máy mới thuộc liên doanh gồm CG Power của Ấn Độ hợp tác với tập đoàn Renesas Electronics của Nhật Bản và Star Microelectronics của Thái Lan. Tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD, công suất dự kiến 15 triệu chip/ngày. Đáng chú ý, cơ sở này sẽ tham gia cùng với ATMP cung cấp nguồn linh kiện đầu vào cho người tiêu dùng và các ngành công nghiệp, sản xuất, ứng dụng năng lượng…
Thông báo của Cục Thông tin Báo chí Ấn Độ xác nhận ba dự án sẽ bắt đầu xây dựng sau 100 ngày nữa. Kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, các nhà máy sẽ tạo ra 20.000 việc làm trực tiếp và khoảng 60.000 việc làm gián tiếp cho người dân địa phương.
Trước đó, vào tháng 6/2023, Ấn Độ đã cho phép Micron, công ty bán dẫn của Mỹ, được xây dựng một cơ sở ở tỉnh Sanand, Gujarat.
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới nhiều bất ổn và các nhà sản xuất chip toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động, những quốc gia nhiều tiềm năng về công nghệ thông tin như Ấn Độ đang hưởng lợi./.
Mỹ lạc quan về mục tiêu đẩy mạnh sản xuất chip trong nước
Tháng 8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật CHIPS và Khoa học, trong đó có khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn.