Tại Ấn Độ, Tổ chức giám sát tiêu chuẩn dược phẩm trung ương của nước này (CDSCO) ngày 1/1 đã phê chuẩn lưu hành khẩn cấp vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, do hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh bào chế.
Động thái này sẽ mở đường để quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh lớn thứ 2 thế giới tiến hành tiêm chủng cho người dân. Hiện CDSCO chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Trước Ấn Độ, Anh và Argentina đã phê chuẩn lưu hành khẩn cấp vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford.
Hiện quốc gia Nam Á này cũng đang cân nhắc phê chuẩn việc lưu hành khẩn cấp vắcxin phòng COVID-19, do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) phối hợp với BioNTech (Đức) bào chế, cũng như vắcxin do Bharat Biotech của Ấn Độ bào chế.
Với hơn 10 triệu ca nhiễm và gần 150.000 ca tử vong, Ấn Độ là nước chịu tác động của dịch COVID-19 lớn thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ. Hiện số ca nhiễm tại nước này đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào hồi giữa tháng 9.
[Nhiều nước để ngỏ khả năng cấp phép sử dụng vắcxin của AstraZeneca]
Ngày 1/1, Bộ Y tế Campuchia thông báo 12 lao động nhập cư Campuchia đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi trở về từ nước láng giềng Thái Lan.
Theo thông báo, các trường hợp mắc COVID-19 mới nêu trên đều là nữ giới trong độ tuổi từ 24-39, trở về Campuchia riêng rẽ qua biên giới trên bộ trong tuần qua.
Người phát ngôn bộ trên Or Vandine nói: "Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cho thấy 12 người này dương tính với virus SARS-CoV-2." Hiện các bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện tỉnh Battambang và tỉnh Pailin ở Tây Bắc Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi người lao động nhập cư Campuchia ở Thái Lan không về nước trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát trừ khi cần thiết, đồng thời lệnh cho các chính quyền địa phương dọc khu vực biên giới thắt chặt các biện pháp an ninh.
Kể từ tháng 1/2020 đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 378 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 362 trường hợp đã hồi phục và không có trường hợp tử vong.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, cùng ngày, Na Uy đã dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay đi và đến từ Anh, vốn được đưa ra trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể VUI-202012/01, được phát hiện ở Anh.
Sau khi Anh thông báo phát hiện biến thể VUI-202012/01, được cho là dễ lây lan hơn chủng gốc, Oslo đã cấm đi và đến Anh. Ngày 31/12, nước này thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm bắt buộc COVID-19 đối với tất cả những người nhập cảnh. Việc xét nghiệm sẽ được tiến hành trong vòng 24 giờ sau khi họ nhập cảnh và bắt đầu áp dụng từ ngày 2/1./.