Ấn Độ phát triển bom dẫn đường bằng laser đầu tiên

Ấn Độ đã phát triển loại bom dẫn đường bằng laser đầu tiên, qua đó nâng cao khả năng tấn công chính xác của Không quân Ấn Độ (IAF).
Ấn Độ đã phát triển thành công loại bom dẫn đường bằng laser (LGB) đầu tiên, qua đó nâng cao khả năng tấn công chính xác của Không quân Ấn Độ (IAF).

Đây là một phần khuôn khổ chương trình phát triển các loại vũ khí tối tân của nước này.

LGB được phát triển bởi Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO). Mỗi quả bom LGB có trọng lượng khoảng 450kg, được gắn thiết bị dò tìm bằng laser có nhiệm vụ tìm mục tiêu trên mặt đất và dẫn đường để bom tấn công chính xác.

Một quan chức thuộc DRDO cho biết hồi đầu năm nay, Ấn Độ đã hai lần thử thành công LGB để đánh giá hiệu quả của hệ thống dẫn đường và điều khiển của loại bom này. Các cuộc thử nghiệm được tiến hành tại Chandipur, bang Orissa, miền Đông Ấn Độ.

LGB là một trong những loại bom dẫn đường phổ biến và có độ chính xác cao hiện nay, được sử dụng rộng rãi trong không quân của một số nước như Mỹ, Nga, Pháp và Anh. Tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng trong điều kiện thời tiết xấu như nhiều mây và sương mù.

Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất bom LGB, vào đầu thập niên 1960. Một số loại máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ hiện nay có thể trang bị LGB để tiến hành các cuộc tấn công không đối đất là Su-30, Mirage-2000 và MiG-29./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục