Ấn Độ 'nóng ruột' trước bước tiến về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc

Dưới góc nhìn của Ấn Độ, trọng điểm chiến lược của Trung Quốc tập trung vào việc nâng cao tầm ảnh hưởng của AI đã có những ẩn ý an ninh quốc gia nghiêm trọng.
Ấn Độ 'nóng ruột' trước bước tiến về trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: clinical-innovation.com)

Theo trang mạng deccanherald.com, những tiến bộ về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong vòng 10 năm tới sẽ có tác động sâu sắc đến bản chất của chiến sự.

Việc sử dụng gia tăng vũ khí chính xác, các cuộc tập trận mô phỏng và thiết bị không người lái mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm.”

Sự phát triển công nghệ AI sẽ không chỉ gây ra tác động trực tiếp trên chiến trường về mặt vũ khí và thiết bị mà còn có tác động đối với công tác lập kế hoạch, hậu cậu và ra quyết định, do đó đòi hỏi cần có quy tắc đạo đức mới và lối tư duy học thuyết.

Dưới góc nhìn của Ấn Độ, trọng điểm chiến lược của Trung Quốc tập trung vào việc nâng cao tầm ảnh hưởng của AI đã có những ẩn ý an ninh quốc gia nghiêm trọng.

Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khai thác lợi thế của AI cho tiến bộ quân sự không có gì mới mẻ, song nỗ lực này đòi hỏi một động lực có mục tiêu hơn để phát huy lợi thế của AI dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, vốn được hỗ trợ bởi nền tảng công nghệ và đổi mới mở rộng của Trung Quốc.

Mục tiêu của Tập Cận Bình là phát triển Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thành một lực lượng tầm cỡ quốc tế trước năm 2050. Lộ trình đối với mục tiêu này là thông qua công cuộc cơ khí hóa, thông tin hóa và cuối cùng là “trí tuệ hóa.” Những nền tảng này được đặt ra ngay sau khi Tập lên nắm quyền.

[Ấn Độ cân nhắc sử dụng trí tuệ nhân tạo vì mục đích an ninh quốc gia]

Tháng 8/2014, Tập chỉ đạo một phiên họp của Bộ Chính trị kêu gọi các chiến lược gia Trung Quốc và PLA tiến hành một cuộc cách mạng quân sự mới vốn đang trong quá trình triển khai hiện nay.

Theo lời kêu gọi này, ban lãnh đạo Trung Quốc đã đặt nền móng cho việc phát triển tiến bộ công nghệ quân sự. Chính sách quân dân dung hợp (Civil-Military Fusion - CMF) đã được nâng cấp thành chiến lược quốc gia. Chiến lược này cùng với Sách trắng Quốc phòng 2015, vốn cho rằng cuộc cách mạng trong các vấn đề quân sự đang tiến triển sang một giai đoạn mới, với thiết bị và vũ khí chính xác, thông minh, tàng hình và không có người điều khiển, đang ngày càng trở nên tinh tế và phức tạp.

Cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Tập tuyên bố một công cuộc cải tổ quy mô lớn các lực lượng vũ trang Trung Quốc, khởi xướng những cải cách to lớn về mặt tổ chức và công nghệ nhằm nâng cao khả năng liên kết, phối hợp và tính hiệu quả.

Một năm sau, ủy ban trung ương về phát triển dân sự và quân sự phối hợp được thành lập nằm dưới sự quản lý của Tập. Mục tiêu là nhằm gia tăng sức mạnh cho khí tài và tinh túy của lĩnh vực dân sự để đáp ứng các mục tiêu an ninh.

Cuối cùng, đến tháng 7/2017, Hội đồng Nhà nước công bố một kế hoạch tổng thể, trong đó đặt ra một lộ trình phát triển AI. Khi kế hoạch này được triển khai, quy mô của ngành công nghệ AI của Trung Quốc ước tính khoảng 18 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 2.6 tỷ USD).

Mục tiêu là nâng con số này lên 150 tỷ Nhân dân tệ trước năm 2020. Mặc dù mục tiêu này dường như ngoài tầm với, song trọng tâm chiến lược đã dẫn đến sự mở rộng thị trường đáng kể.

Hiệp hội Internet Trung Quốc ước tính giá trị của thị trường AI của Trung Quốc trong năm 2019 đã lên đến gần 50 tỷ Nhân dân tệ.

Theo báo cáo của hiệp hội này, các doanh nghiệp AI của Trung Quốc đã lên đến 3.341, chiếm hơn 1/5 tổng các doanh nghiệp AI toàn cầu.

Hệ sinh thái AI này sẽ rất hữu ích đối với PLA trong khuôn khổ Chính sách quân dân dung hợp. Đây là bằng chứng trong lĩnh vực công nghệ tầm nhìn máy tính, nơi mà công nghệ do các công ty tư nhân Trung Quốc phát triển đã được sử dụng trong công tác giám sát ở khu tự trị Tân Cương.

Khi đề cập đến công nghệ nhận dạng khuôn mặt, các tập đoàn Trung Quốc hiện đã đạt cấp độ tiên phong. Năm 2018, các công ty Trung Quốc đã lọt vào trong “tốp” 5 nước đứng đầu trong cuộc đua cạnh tranh công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Danh sách xếp hạng này do Bộ Thương mại Mỹ tiến hành. 

Trung Quốc cũng đạt được tiến bộ nhanh chóng trong quá trình phát triển các thiết bị bay không người lái và thiết bị dưới nước không người lái (UUV) cùng với công nghệ “bầy đàn.”

Gần đây, thiết bị dưới nước tự hành mang biệt danh “Cá voi biển 2000” (Sea-Whale 2000) do Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc phát triển, đã hoàn thành chạy thử nghiệm kéo dài 37 ngày không ngừng nghỉ ở Biển Đông.

Ngoài ra, loại máy bay trực thăng không người lái Blowfish do tập đoàn Zhuhai Ziyan của Trung Quốc chế tạo đang được thị trường vũ khí thế giới chào đón, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đề cao bước tiến của Trung Quốc trong hoạt động xuất khẩu thiết bị không người lái.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang tìm cách mở rộng phạm vi ứng dụng AI trong huấn luyện quân sự. 

Đối với Ấn Độ, điều này đồng nghĩa với việc PLA sẽ nổi lên là một đối thủ tiềm tàng được trang bị tốt hơn về tiến bộ công nghệ và thông tin cũng như hoạt động hiệu quả hơn trong vòng 10 năm tới.

Chắc chắn, có những hạn chế về mặt cấu trúc vốn sẽ gây trở ngại tiến bộ của PLA, ví dụ tốc độ tiếp nhận và thích ứng về mặt công nghệ, thiếu dữ liệu quân sự đầy đủ và thích hợp cũng như những hạn chế về đổi mới trong chỉ huy.

Thực tế, Sách Trắng Quốc phòng 2019 của Trung Quốc thừa nhận rằng mặc dù “đã đạt được tiến bộ to lớn trong cuộc cách mạng lĩnh vực quân sự… song PLA vẫn tụt hậu so với các lực lượng quân sự hàng đầu trên thế giới.”

Mặc dù vậy, với việc duy trì đầu tư, mở rộng năng lực và sự ủng hộ của ban lãnh đạo, quy mô và chất lượng của thiết bị vũ khí sẽ tiếp tục cải thiện theo thời gian. 

Để đối phó với bước tiến nói trên của Trung Quốc, Ấn Độ cần thực hiện một chính sách bất đối xứng, mặc dù New Delhi còn eo hẹp về khả năng tài chính và nền tảng công nghệ.

Các nhà hoạch định quốc phòng Ấn Độ cần đánh giá kỹ lưỡng những lĩnh vực mà PLA đang có bước tiến lớn để tập trung những nỗ lực và vốn đầu tư của mình vào các biện pháp đối phó không tương xứng.

Điều này đòi hỏi Ấn Độ cần đầu tư vào các loại thiết bị không người lái và tự hành, công nghệ học máy đối kháng, chiến sự điện tử cùng với các năng lực tự vệ và tấn công trên mạng.

Cùng với đó, Ấn Độ cần khẩn trương nghiên cứu lối tư duy học thuyết về tác động của những loại công nghệ mới nói trên khi xảy ra xung đột, vốn kéo theo tình trạng bất ổn lớn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục