Ngày 26/11, quân đội Ấn Độ đã triển khai thêm thiết bị chuyên dụng khi nỗ lực giải cứu 41 công nhân mắc kẹt sau vụ sập đường hầm cao tốc tại bang Uttarakhand bước sang tuần thứ ba.
Chiến dịch giải cứu đang được tiến hành theo 3 hướng sau khi các nỗ lực trước đó đều không đạt kết quả.
Lực lượng không quân Ấn Độ cho biết công tác cứu hộ đang được đẩy nhanh và lực lượng này đã thực hiện chuyến bay thứ ba vận chuyển các thiết bị tới hiện trường vụ sập một phần đường hầm Silkyara đang trong quá trình xây dựng hôm 12/11 vừa qua.
Theo các quan chức cứu hộ, cần phải đưa một máy cắt plasma tới khu vực vùng núi xa xôi thuộc dãy Himalaya này sau khi các kỹ sư đã đưa được ống kim loại xuyên qua 57m đá và bêtông theo hướng nằm ngang, tiếp cận các dầm kim loại cũng như các phương tiện xây dựng dưới lòng đất.
Máy cắt plasma - với tia plasma có thể tạo ra nhiệt lượng lên đến 10.000-15.000 độ C, sẽ được sử dụng để loại bỏ mũi khoan đất khổng lồ mới bị gãy cách đây vài hôm, ở vị trí cách công nhân đang mắc kẹt khoảng 9m. Ngoài ra, máy cắt plasma cũng sẽ giúp loại bỏ dầm kim loại đang chặn ngang hướng giải cứu các công nhân.
Sau khi hoàn tất việc loại bỏ mũi khoan và dầm kim loại, quá trình đào đất sẽ được tiến hành bằng tay để đảm bảo an toàn.
Một hướng đi khác là dùng máy khoan thẳng đứng đào 89m xuống phía dưới lòng đất dựa trên tính toán của các kỹ sư. Trong khi đó, một nhóm cứu hộ khác tiến hành đào ở một vị trí xa hơn, cách hiện trường khoảng 480m.
Vụ sập đường hầm cao tốc ở Ấn Độ: Vẫn chưa đưa được hơn 40 công nhân ra ngoài
Ngày 25/11, lực lượng cứu hộ đã triển khai tới hiện trường máy đào mới nhằm tạo một trục thẳng đứng xuống phía dưới đường hầm, sau những nỗ lực mở đường khác gặp chướng ngại vật.
Kể từ khi đường hầm bị sập hôm 12/11 đến nay, nhiều nỗ lực giải cứu đã được tiến hành nhưng không đạt nhiều tiến triển do các máy khoan hạng nặng liên tục bị trục trặc và đất đá tiếp tục sập xuống. Địa hình dãy Himalaya đầy thử thách là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Hôm 21/11 vừa qua, lực lượng cứu hộ đã lần đầu tiên nhìn thấy các công nhân bị mắc kẹt nhờ hình ảnh ghi lại bởi máy quay nội soi mà lực lượng này thả xuống dọc theo đường ống hẹp chuyên dùng để chuyển khí oxy, thực phẩm và nước uống cho những người ở dưới.
Toàn bộ 41 công nhân vẫn sống sót trong đoạn đường hầm dài khoảng 2km và cao khoảng 8,5m.
Nhà chức trách cũng đã thiết lập một đường dây liên lạc để gia đình các công nhân có thể trò chuyện với người thân của mình./.