Ấn Độ nhập khẩu dầu của Nga ít nhất kể từ tháng đầu năm

Quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới này đã giảm lượng dầu nhập khẩu từ Moskva trong tháng 8 - tháng giảm thứ ba liên tiếp, xuống 1,57 triệu thùng/ngày, giảm 24% so với tháng trước đó.
Ấn Độ nhập khẩu dầu của Nga ít nhất kể từ tháng đầu năm ảnh 1Nhà máy lọc dầu Rosneft ở thị trấn Gubkinsky, Tây Siberia, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Cơn khát” của Ấn Độ đối với dầu giá rẻ của Nga đã giảm trong tháng 8 do những cơn mưa gió mùa làm giảm nhu cầu và các nhà máy lọc dầu lên kế hoạch bảo trì định kỳ.

Theo Công ty Tình báo Dữ liệu Kpler, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới này đã giảm lượng dầu nhập khẩu từ Moskva trong tháng 8 - tháng giảm thứ ba liên tiếp, xuống 1,57 triệu thùng/ngày, giảm 24% so với tháng trước đó.

Như vậy, tháng 8 trở thành tháng mà Ấn Độ nhập khẩu dầu của Nga ít nhất kể từ tháng 1 đầu năm.

Dữ liệu trong tháng 8 cho thấy, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ cũng cắt giảm nhập khẩu 10% từ nhà cung cấp Iraq xuống còn 848.000 thùng/ngày.

Một phần khối lượng đó đã được thay thế bằng lượng nhập khẩu tăng mạnh từ Saudi Arabia, tăng 63% so với tháng trước lên 852.000 thùng/ngày.

[Nga liên tục là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Ấn Độ trong 18 tháng]

Tiêu thụ dầu thô Nga của Ấn Độ đã tăng vọt kể từ năm ngoái, đạt mức cao nhất 2,15 triệu thùng/ngày trong tháng 5, do các nhà máy lọc dầu tranh giành các lô hàng giảm giá mạnh.

Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu và hóa dầu Mangalore ở bang Karnataka, Tây Nam Ấn Độ, có công suất 301.000 thùng/ngày, đã giảm 2/3 lượng nhập khẩu.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu tại Công ty Kpler, cho biết lượng mua của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Reliance có trụ sở tại Mumbai đã giảm xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày từ mức trung bình thông thường là 1,2-1,3 triệu thùng, do có kế hoạch đóng cửa một đơn vị chưng cất dầu thô vào tháng 9.

Cũng theo chuyên gia Katona, tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ, giảm 7% trong tháng 8 xuống còn 4,35 triệu thùng/ngày, có thể sẽ tăng từ tháng 10 do nhu cầu sẽ tăng tốc trong quý 4 và sẽ không có bất kỳ đợt bảo trì quy mô lớn nào trong những tháng tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục