Ấn Độ nêu điều kiện phê chuẩn các thỏa thuận mới tại hội nghị WTO

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ cho biết quốc gia Nam Á này sẽ không phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận mới nào nếu không có tiến bộ trong hệ thống giải quyết tranh chấp.

Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal. (Nguồn: PTI)
Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal. (Nguồn: PTI)

Ngày 28/2, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal cho biết nước này sẽ chỉ phê chuẩn các thỏa thuận mới tại hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu Mỹ ngừng chặn một thỏa thuận về cơ chế giải quyết tranh chấp.

Các nước đang hy vọng đạt được tiến bộ về các vấn đề như thủy sản và nông nghiệp tại Hội nghị cấp bộ trưởng của WTO lần thứ 13 đang diễn ra ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Các hiệp định mới đòi hỏi nhận được sự đồng thuận của toàn bộ 164 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên của WTO theo quy định của tổ chức thương mại toàn cầu này.

Tuy nhiên, phát biểu với báo giới bên lề các cuộc thảo luận, Bộ trưởng Ấn Độ Goyal cho biết quốc gia Nam Á này sẽ không phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận mới nào nếu không có tiến bộ trong hệ thống giải quyết tranh chấp.

Ông cho rằng điều quan trọng và phải giải quyết trước tiên đó là cần có một cơ quan phúc thẩm nhưng một số quốc gia không nhất trí với điều này. Chỉ khi tháo gỡ được nút thắt đó mới có thể xem xét các vấn đề mới khác trong tương lai.

Người đứng đầu Bộ Thương mại, Công nghiệp Ấn Độ cũng cho rằng toàn bộ hoạt động của WTO hiện nay "đang tê liệt."

Washington cáo buộc cơ quan phúc thẩm giải thích quá mức các quy định của WTO và cho rằng các quyết định của thẩm phán không nên đi ngược lại an ninh quốc gia của các nước.

Trong tuần này, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết nước này đang thúc đẩy cải cách giải quyết tranh chấp nhằm tạo ra một hệ thống "công bằng" và không lặp lại những sai sót của cơ quan trước đó.

Tại hội nghị cấp bộ trưởng gần đây nhất của WTO vào năm 2022, các quốc gia thành viên cam kết tổ chức các cuộc thảo luận về hệ thống giải quyết tranh chấp “nhằm có một hệ thống hoạt động đầy đủ vào năm 2024.” Tuy nhiên, từ đó đến nay có rất ít tiến triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục