Ấn Độ muốn biến vùng Đông Bắc thành trung tâm xuất khẩu sang ASEAN

Ấn Độ đang nhanh chóng thực hiện một chiến lược toàn diện nhằm biến khu vực Đông Bắc không giáp biển thành trung tâm xuất khẩu cho các thị trường ở Bangladesh và ASEAN.

Ấn Độ đang đàm phán lại một số điều khoản “bất lợi” của thỏa thuận AITIGA ký năm 2009 vốn đã mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp được vận chuyển qua khối ASEAN. (Nguồn: India-briefing)
Ấn Độ đang đàm phán lại một số điều khoản “bất lợi” của thỏa thuận AITIGA ký năm 2009 vốn đã mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp được vận chuyển qua khối ASEAN. (Nguồn: India-briefing)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Chính phủ Ấn Độ đang nhanh chóng thực hiện một chiến lược toàn diện nhằm biến khu vực Đông Bắc không giáp biển thành trung tâm xuất khẩu cho các thị trường ở Bangladesh và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Vòng thứ tư về đàm phán lại Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA) dự kiến diễn ra từ ngày 7-9/5 tại Kuala Lumpur và một thỏa thuận cải tiến dự kiến được ký kết vào năm 2025 sẽ mang lại động lực lớn cho nền kinh tế của các bang Đông Bắc Ấn Độ.

Ba quan chức yêu cầu giấu tên cho biết Ấn Độ đang đàm phán lại một số điều khoản “bất lợi” của thỏa thuận AITIGA ký năm 2009 vốn đã mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp được vận chuyển qua khối ASEAN.

Một quan chức cho rằng: “Ấn Độ sẽ đạt được lợi ích đáng kể một khi bất lợi này được sửa đổi. Khu vực Đông Bắc, hiện chiếm thị phần không đáng kể trong tổng xuất khẩu của Ấn Độ sang ASEAN, có thể là nơi hưởng lợi lớn nhất.”

Trong số hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ sang ASEAN trị giá 44 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2023, thị phần của vùng Đông Bắc chưa đến 10 triệu USD.

Một quan chức khác cho hay “khu vực Đông Bắc có vị trí thuận lợi để khai thác lợi ích từ các thỏa thuận như AITIGA. Ngoài ra, nơi đây còn có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ cho toàn khu vực, bao gồm cả Bangladesh và Myanmar. Chính phủ đang tập trung phát triển vùng Đông Bắc và động lực lớn theo hướng này sẽ được thể hiện sau cuộc tổng tuyển cử” dự kiến từ ngày 19/4-1/6 với kết quả được công bố vào ngày 4/6.

Theo người dân địa phương, chiến lược toàn diện để phát triển vùng Đông Bắc đang được thực hiện, bao gồm việc xác định các yêu cầu của thị trường và hỗ trợ chính sách để sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho các thị trường lân cận.

Quan chức thứ ba cho biết: “Trọng tâm là tạo ra cơ sở hạ tầng như đặc khu kinh tế, nhà kho, cơ sở hải quan và đường cao tốc để kết nối Bangladesh và các nước ASEAN.”

Ông nêu rõ: “Đường cao tốc và đường thủy nối các thị trường lớn trên toàn cầu với vùng Đông Bắc không giáp biển là điều cần thiết để khôi phục vinh quang xưa của các bang này. Trước cuộc chia cắt năm 1947, vùng Đông Bắc có mối liên hệ thuận lợi với các vùng lân cận. Sự phân chia đã làm gián đoạn kết nối và khiến khu vực này tương đối khó tiếp cận với hầu hết các nơi trên thế giới”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục