Ấn Độ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng, hạ dự báo tăng trưởng

Chương trình này được thực hiện nhằm duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời điểm Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch đi vay với quy mô gần đạt mức kỷ lục để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.
Ấn Độ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng, hạ dự báo tăng trưởng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: wicnews.com)

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) đã mở rộng quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng nhất thế giới diễn ra ở nước này.

Nới lỏng định lượng là một chính sách tiền tệ, trong đó ngân hàng trung ương mua trái phiếu hay các chứng khoán trong thị trường để tăng cung tiền và khuyến khích cho vay cũng như đầu tư.

Thống đốc RBI, Shaktikanta Das, ngày 4/6 cho biết ngân hàng này sẽ mua thêm 1.200 tỷ rupee (16,4 tỷ USD) trái phiếu trong quý tới theo "Chương trình mua trái phiếu chính phủ 2.0."

Chương trình này được thực hiện nhằm duy trì lãi suất ở mức thấp trong thời điểm Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch đi vay với quy mô gần đạt mức kỷ lục để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

[Ấn Độ công bố gói tài chính hỗ trợ cuộc chiến chống dịch COVID-19]

RBI đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong tài khóa 2021 (kết thúc tháng 3/2022) từ mức 10,5% trước đó xuống 9,5%.

Ủy ban chính sách tiền tệ của RBI (MPC) đã duy trì lãi suất repo (lãi suất cho vay chính) ở mức 4% và giữ nguyên lãi suất repo đảo ngược không đổi ở mức 3,35%.

Tất cả sáu thành viên của MPC đã bỏ phiếu ủng hộ việc duy trì chính sách hỗ trợ nếu cần cho đến khi tăng trưởng phục hồi và ổn định.

Theo ông Das, sự hỗ trợ về chính sách từ tất cả các phía là cần thiết để tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng trong quý 1/2021, nhưng các nhà kinh tế ngày càng quan ngại về quý 2/2021, sau khi làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19 đã bùng lên ở nước này vào tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục