Ấn Độ: Lạm phát gia tăng gây rủi ro cho chương trình nới lỏng tiền tệ

Đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Ấn Độ có nguy cơ làm gia tăng sức ép lên giá cả, đe dọa làm hạn chế những biện pháp mà ngân hàng trung ương có thể lựa chọn để hỗ trợ nền kinh tế.
Hàng dài thi thể xếp hàng để vào hỏa táng ở Ghaziabad (Nguồn: Hindustian Times)

Đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Ấn Độ có nguy cơ làm gia tăng sức ép lên giá cả, đe dọa làm hạn chế những biện pháp mà ngân hàng trung ương có thể lựa chọn để hỗ trợ nền kinh tế.

Các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan đang phá vỡ chuỗi cung ứng trong nước, có nguy cơ làm tăng giá đối với mọi mặt hàng, từ các loại thuốc thiết yếu đến ô tô. Đồng rupee yếu đi cũng đang làm tăng chi phí nhập khẩu dầu và các nguyên liệu thô khác phục vụ hoạt động sản xuất.

Mặc dù các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI, ngân hàng trung ương) trong năm 2021 đã bỏ qua mục tiêu lạm phát, song sức ép về giá trong bối cảnh nền kinh tế dự kiến phục hồi vào cuối năm nay có thể hạn chế các lựa chọn (biện pháp) của RBI. Lạm phát giá tiêu dùng đang “thử nghiệm” giới hạn trên của mục tiêu 2-6%, trong khi sự gia tăng gần đây của giá bán buôn cũng báo hiệu nhiều sức ép sẽ đến.

Lạm phát tăng không phải là tin tốt đối với thị trường trái phiếu, khi các nhà đầu tư đang yêu cầu mức phí bảo hiểm, và khiến ngân hàng trung ương phải hủy bỏ một vài đợt đấu thầu nợ.

[Gia đình cố Chủ tịch Samsung nộp gần 11 tỷ USD tiền thuế thừa kế]

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong tháng 3/2021 đã tăng lên mức cao nhất trong gần một năm. Lợi suất trái phiếu tăng 18 điểm cơ bản kể từ đầu năm 2021 đến nay, ngay cả khi RBI tiếp tục mua trái phiếu chính phủ thông qua các nghiệp vụ thị trường mở.

Trong tháng này, RBI thông báo kế hoạch mua trái phiếu trị giá 1.000 tỷ rupee trong quý từ tháng 4-6/2021, chính thức hóa chương trình nới lỏng định lượng trong nỗ lực làn yên lòng các nhà đầu tư.

Ấn Độ đang phải đối phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, với tổng ca nhiễm lên tới 18 triệu ca và tăng hơn 300.000 ca mỗi ngày. Nước này cũng đang thiếu vaccine do không có đủ nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục