Từ tháng 9, Ấn Độ áp thuế 20% đối với một số loại gạo trắng xuất khẩu và gia hạn lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm đến ngày 15/10.
Động thái này, tác động trực tiếp đến thị trường gạo thế giới, các quốc gia đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và các quốc gia xuất khẩu gạo khác; trong đó, có Việt Nam.
Lợi, nhưng không nhiều...
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được lợi cả về lượng và giá. Tuy nhiên, họ cũng nhận định rằng những ích lợi này không quá đột phá.
Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% gạo xuất khẩu toàn cầu và cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan, Việt Nam, Pakistan trên thị trường quốc tế.
Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng số gạo của bốn nước xuất khẩu lớn gồm Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại.
[Nhận định cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo Việt Nam]
Do đó, khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu một số loại gạo và cấm xuất khẩu gạo tấm sẽ khiến nguồn cung gạo ra thị trường bị giảm sút, giá gạo sẽ có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho rằng, việc Ấn Độ áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu là tin vui với gạo Việt Nam.
Bởi lâu nay gạo Việt Nam luôn bị cạnh tranh với gạo Ấn Độ và Thái Lan về giá. Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2018, khi Ấn Độ xuất khẩu khoảng từ 8-9 triệu tấn gạo/năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này rất tốt.
Tuy nhiên, đến năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên gấp đôi và đạt mức hơn 21 triệu tấn vào năm 2021 khiến giá gạo xuất khẩu trên thị trường xuống mức thấp.
“Quyết định áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu được xem là một trong những giải pháp để Ấn Độ hạ giá gạo trong nước và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh thế giới đối mặt với lạm phát giá và nguy cơ khủng hoảng lương thực. Ngược lại, quyết định này sẽ khiến giá gạo thế giới trong vụ tới được dự báo tăng hơn hiện nay,” ông Nguyễn Văn Thành nhìn nhận.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vrice đánh giá, việc áp thuế và cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ có thể là cơ hội cho gạo Việt gia tăng cả về số lượng đơn hàng và giá trị.
Song xét trên điều kiện thực tế, doanh nghiệp Việt không được hưởng lợi nhiều vì số lượng đơn hàng nếu tăng cũng không đáng kể. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển của Việt Nam đi các thị trường của gạo Ấn Độ rất cao.
"Hiện nay, gạo Ấn Độ chủ yếu xuất đi thị trường châu Phi. Đến tháng 9, cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi thị trường châu Phi mặc dù đã giảm so với tháng 8, song vẫn dao động ở mức 4.000-6.000 USD/container 40 feet, cao gấp 2 lần so với mức giá vận chuyển từ Ấn Độ sang châu Phi. Trong trường hợp khách hàng châu Phi tìm đến nhà cung ứng Việt Nam để thay thế thì khả năng đàm phán được giá cao cũng không nhiều," ông Phan Văn Có phân tích thêm.
Không thể có sự "bùng nổ"
Cùng góc nhìn, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, việc Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo xuất khẩu và tạm ngưng xuất khẩu gạo tấm sẽ tác động tích cực đến việc hoàn thành kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay, doanh nghiệp có thể có thêm những đơn hàng mới từ khoảng trống gạo Ấn Độ để lại.
Xuất khẩu gạo cả năm 2022 của Việt Nam có thể tăng thêm vài trăm nghìn tấn so với những năm trước (trung bình 6,1-6,3 triệu tấn) nhưng sẽ không có sự “bùng nổ” lớn hay vượt qua mốc 7 triệu tấn/năm.
Theo ông Phạm Thái Bình, mặc dù, hiện nay thị trường xuất khẩu khá thuận lợi nhưng Việt Nam đang ở thời điểm cuối mùa và chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân 2022-2023, lượng gạo tồn kho của Việt Nam không còn nhiều.
Chưa kể việc Ấn Độ áp thuế đối với các mặt hàng gạo trắng và tạm ngưng xuất khẩu gạo tấm nhưng vẫn đang giao các đơn hàng đã ký kết từ trước nên sự khan hiếm gạo khó xảy ra cục bộ trong thời gian gần.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo hiện nay, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời phân cho rằng, Ấn Độ đang kiểm soát chặt xuất khẩu gạo thông qua áp thuế, động thái này làm cho giá gạo Ấn Độ bớt cạnh tranh vì từ trước đến nay giá gạo Ấn Độ luôn thấp hơn giá gạo các nước khác, bao gồm cả Việt Nam.
Mặt khác, quyết định hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ cũng khiến nhiều quốc gia cảm thấy nguồn cung gạo sụt giảm và có xu hướng tăng dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực, giá gạo thế giới vì thế sẽ biến động theo chiều hướng tăng lên.
Sau lệnh áp thuế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, thị trường trong nước bắt đầu có biến động, giá bán lúa của nông dân chưa tăng nhưng giá gạo bán ngoài thị trường đã có chiều hướng tăng dù chưa rõ ràng.
Ngoài quy luật chung về cung cầu, số lượng người thu mua, nguồn tiền, vận chuyển, hợp đồng xuất khẩu cũng sẽ ảnh hưởng đến giá lúa gạo. Xét về lâu dài, nếu Ấn Độ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì sẽ có lợi cho gạo xuất khẩu của Việt Nam cả về giá trị và sản lượng.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, không chỉ việc áp thuế xuất khẩu gạo trắng và cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ mà từ xung đột giữa Nga-Ukraine cộng với những diễn biến tiêu cực của biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhiều quốc gia chú trọng về an ninh lương thực, tăng thu mua lương thực dữ trữ, ngay tại Việt Nam cũng có ý kiến đề cập đến đảm bảo an ninh lương thực.
Tuy nhiên, với năng lực sản xuất lúa gạo hiện tại, ngoài cung cấp tiêu thụ nội địa và dự trữ quốc gia, hàng năm Việt Nam vẫn duy trì được sản lượng từ 6-7 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu nên có thể yên tâm về vấn đề an ninh lương thực. Các khách hàng nhập khẩu gạo từ Việt Nam hầu như không phải lo việc thiếu hụt nguồn hàng.
“Với điều kiện xuất khẩu thuận lợi như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tính toán giá bán hợp lý, đảm bảo thu nhập cho người nông dân trồng lúa trong nước. Đồng thời, không nên lợi dụng tình thế bất ổn an ninh lương thực trên thế giới để đẩy giá gạo lên quá cao mà tăng thêm khó khăn về phía các quốc gia nghèo hơn đang phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu,” ông Huỳnh Văn Thòn khuyến nghị./.