Ấn Độ khẳng định vị thế điểm đến đầu tư chủ chốt trên thế giới

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ dưới hình thức mua cổ phần đã vượt qua dấu mốc quan trọng 500 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2020.
Ấn Độ khẳng định vị thế điểm đến đầu tư chủ chốt trên thế giới ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: BFSI)

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ dưới hình thức mua cổ phần đã vượt qua dấu mốc quan trọng 500 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2020. Điều này đã khẳng định vững chắc vị thế của nước này như một điểm đến đầu tư chủ chốt và an toàn trên thế giới.

Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn số liệu của Cục Xúc tiến công nghiệp và thương mại nội địa (DPIIT) thuộc Bộ Công thương Ấn Độ, cho biết dòng FDI của Ấn Độ trong giai đoạn trên đạt 500,12 tỷ USD, trong đó có 144,71 tỷ USD (chiếm 29%) đến từ Mauritius, tiếp theo là khoảng 106 tỷ USD (21%) từ Singapore và Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản mỗi nước chiếm 7% và Anh chiếm 6%. Các nhà đầu tư lớn khác bao gồm Đức, CH Síp, Pháp và Quần đảo Cayman.

Kể từ tài khóa 2015-2016, dòng vốn FDI vào Ấn Độ đã ghi nhận bước tăng trưởng đáng kể. Trong tài khóa 2015-2016, Ấn Độ thu hút 40 tỷ USD vốn FDI, tăng 35% so với năm trước đó. Trong các tài khóa 2016-2017, 2017-2018, 2018-2019 và 2019-2020, dòng vốn FDI lần lượt đạt 43,5 tỷ USD, 44,85 tỷ USD, 44,37 tỷ USD và 50 tỷ USD.

[Ấn Độ công bố các dự án trị giá gần 1.500 tỷ USD để vực dậy kinh tế]

Vốn FDI lũy kế (bao gồm vốn cổ phần, thu nhập tái đầu tư và vốn khác) trong giai đoạn từ tháng 4/2000 đến tháng 9/2020) đạt 722 tỷ USD, trong đó vốn cổ phần là một thành tố chính chiếm khoảng 70% tổng vốn FDI của Ấn Độ. Các lĩnh vực quan trọng thu hút lượng lớn FDI bao gồm dịch vụ, phần mềm và phần cứng máy tính, viễn thông, thương mại, phát triển xây dựng, ô tô, hóa chất và dược phẩm.

PTI dẫn lời ông Nischal Arora, chuyên gia tại công ty tư vấn Nangia Andersen India đánh giá 500 tỷ USD này là dấu mốc đánh dấu niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài vào các nền tảng kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ, triển vọng chính trị ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư ngay cả trong cuộc suy thoái toàn cầu 2007-2008.

Theo ông Arora, khi thận trọng bước vào thập kỷ tiếp theo dưới bóng đen của đại dịch COVID-19 đang diễn ra, New Delhi nhất thiết phải duy trì các biện pháp thu hút FDI vào các lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao cấp.

Trong khi đó, ông Rajat Wahi, đối tác của hãng tư vấn tài chính Deloitte India, cho rằng trong khi tiềm năng thị trường nói chung của Ấn Độ luôn rất lớn do dân số đông, nhiều yếu tố khác như thuận lợi kinh doanh, đất đai, luật lao động, thuế, nguồn nhân tài, logistics và sự ổn định chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn FDI. Ông đánh giá mặc dù Ấn Độ đã cải thiện đáng kể trong nhiều lĩnh vực kể trên trong thập kỷ qua, đặc biệt là trong 5 năm qua, song nước này vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục