Hãng PTI ngày 1/10 đưa tin, phản ứng trước đề xuất hòa bình 4 điểm của Thủ tướng Pakistan, Ấn Độ đã thẳng thừng gọi Pakistan là “nước bảo trợ chủ yếu cho khủng bố.”
Chính phủ Ấn Độ khẳng định phi quân sự hóa khu vực Kashmir không phải là giải pháp đem lại hòa bình mà “phi khủng bố hóa” Pakistan mới là giải pháp cho hòa bình trong bối cảnh Islamabad lợi dụng khủng bố như một “công cụ hợp pháp” trong lãnh đạo đất nước.
Bí thư thứ nhất Phái bộ thường trực của Ấn Độ tại Liên hợp quốc Abhishek Singh tuyên bố: “Pakistan thực sự đang là nạn nhân của chính chính sách nuôi dưỡng và bảo trợ cho những kẻ khủng bố. Mấu chốt của vấn đề liên quan tới việc (Pakistan) lợi dụng khủng bố như một công cụ hợp pháp để điều hành đất nước.”
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup nhận định: “Phi quân sự hóa Kashmir không phải là giải pháp mà giải pháp (theo New Delhi) chính là phi khủng bố hóa Pakistan. Pakistan không phải là nạn nhân chủ yếu của khủng bố mà là nạn nhân của chính sách do họ đề ra. Trên thực tế họ là bên bảo trợ chính cho khủng bố.”
Người phát ngôn trên còn hối thúc các lực lượng của chính quyền Islamabad “sớm rút khỏi” khu vực Kashmir do Pakistan chiếm đóng.
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, ngày 1/10, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã đề xuất sáng kiến hòa bình 4 điểm với Ấn Độ, trong đó có cả việc phi quân sự hóa khu vực tranh chấp Kashmir.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, ngày 30/9, Thủ tướng Sharif đã nêu đề xuất 4 điểm, gồm Pakistan và Ấn Độ nên chính thức hoá và tôn trọng thỏa thuận năm 2003 về ngừng bắn hoàn toàn ở Ranh giới kiểm soát (LoC) tại Kashmir; không viện cớ sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong bất kỳ tình huống nào; tiến hành các bước phi quân sự hoá Kashmir; rút quân vô điều kiện khỏi khu vực Siachen Glacier - chiến trường đẫm máu nhất trên thế giới.
Thủ tướng Sharif nhấn mạnh khu vực Nam Á cần sự ổn định chiến lược và do vậy hai bên cần đối thoại nghiêm túc để đạt được sự kiềm chế hạt nhân, sự cân bằng thông thường và tìm giải pháp cho cuộc xung đột./.