Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Khu vực hội tụ lợi ích Pháp-Nhật Bản

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thể hiện một mối quan hệ hữu hảo và thân thiện khi vị nguyên thủ quốc gia Pháp thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 26-27/6.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc gặp ở Tokyo ngày 26/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với cái ôm dài, nụ cười tin cậy và cách xưng hô thân mật, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thể hiện một mối quan hệ hữu hảo và thân thiện khi vị nguyên thủ quốc gia Pháp thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 26-27/6.

Chuyến thăm này diễn ra chỉ 2 tháng sau chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Paris. Có thể nói 2019 là năm của quan hệ Pháp và Nhật Bản khi hai nước có cùng điểm chung là chủ nhà của 2 hội nghị quốc tế quan trọng mà cả hai cùng là thành viên.

Nhật Bản sẽ lần đầu tiên chủ trì Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka vào cuối tháng 6, trong khi Pháp là chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) vào tháng 8 tới.

Đối với cả hai nước, đây là cơ hội để khẳng định tầm ảnh hưởng và vai trò toàn cầu trên trường quốc tế. Dù đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Pháp tới Nhật Bản trước thềm hội nghị cấp cao G20 tại Osaka, cuộc hội đàm chiều 26/6 là lần gặp song phương lần thứ 5 trong vòng chưa đầy một năm giữa ông Macron và ông Abe.

Điều đó thể hiện mối quan hệ khá mật thiết giữa hai nước đều có vai trò và ảnh hưởng lớn trong khu vực. Có thể nói Pháp và Nhật Bản chia sẻ nhiều lợi ích chung trong các vấn đề an ninh, thương mại...

Đặc biệt, Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu có lợi ích chủ quyền trực tiếp ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chưa kể Paris giữ vai trò quan trọng trong khu vực này bởi những mối quan hệ truyền thống lịch sử từ lâu đời.

Quan hệ hợp tác và phối hợp hành động giữa hai nước được cho sẽ tạo cơ sở để thắt chặt mối bang giao Pháp-Nhật Bản tại khu vực hội tụ lợi ích này. Hai nhà lãnh đạo đã không ngừng thể hiện nỗ lực mỗi bên vì mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Nhật Bản là một đối tác hàng đầu của Paris tại châu Á mà Pháp mong muốn củng cố hợp tác chiến lược, kinh tế và công nghệ. Vì vậy, một lộ trình cho quan hệ đối tác song phương trong 5 năm tới đã được thiết lập, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp, đổi mới, quốc phòng, phát triển bền vững và giáo dục.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã thống nhất ra tuyên bố hợp tác trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực hoạt động "hoàn toàn hợp pháp" đối với Pháp theo lời khẳng định của ông Macron.

Được Pháp coi là một "đối tác đặc biệt," là nhà đầu tư châu Á lớn nhất và đối tác thương mại châu Á thứ hai tại Pháp, Nhật Bản có vai trò quan trọng bên cạnh Ấn Độ và Australia trong kỳ vọng tăng cường chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Paris theo đuổi. Thủ tướng Nhật Bản Abe lần đầu tiên đã đề cập đến khái niệm "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" vào năm 2007 trong một bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ.

Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng đã tham gia chiến lược này với tham vọng đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, Pháp là một cường quốc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với khoảng 1,5 triệu dân sinh sống trên các đảo Polynesia, Mayotte, Reunion và New Caledonia cùng các vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn. Chính vì vậy, Pháp xây dựng và triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình, theo hướng tự chủ hơn và tập trung vào các nguyên tắc chính như tự do hàng hải.

Tổng thống Macron đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ “sự phát triển dựa trên quy tắc" và "sự cân bằng" nhằm tránh "những hành động bá quyền" trong khu vực.

[Nhật Bản, Pháp công bố lộ trình hợp tác 5 năm về nhiều vấn đề]

Có thể nói Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực hội tụ lợi ích then chốt của Pháp và Nhật Bản. Quan hệ đối tác Pháp-Nhật Bản về cơ bản dựa trên ba trụ cột gồm an ninh, cơ sở hạ tầng, môi trường và đa dạng sinh học.

Từ năm 2014, Paris và Tokyo đã tổ chức các cuộc họp thường niên cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng.

Hai chính phủ đã ký một thỏa thuận chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng có hiệu lực vào cuối năm 2016, sau đó là thỏa thuận hỗ trợ hậu cần vào năm 2018, mở đường cho các cuộc tập trận chung đầy tham vọng hơn.

Cuộc tham vấn chính trị-quân sự cấp bộ trưởng lần thứ năm được tổ chức tháng 1/2019 đã thống nhất đưa ra một cơ chế đối thoại mới về các vấn đề hàng hải.

Theo các nhà phân tích, hợp tác Pháp-Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh là sản phẩm của hai xu hướng. Nhật Bản đang tham gia vào quá trình từng bước đa dạng hóa liên minh an ninh với Mỹ, xuất phát từ đề nghị của phía Washington cũng như từ nhu cầu tăng cường sự tự chủ quốc phòng của Nhật Bản.

Về phía mình, Pháp đang tìm cách mở rộng triển khai các cam kết an ninh tại châu Á với vai trò là quốc gia có tầm ảnh hưởng đáng kể trong khu vực. Tuy nhiên, cho dù Paris có cùng quan điểm với Tokyo liên quan đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, hai bên lại khá mâu thuẫn trong cách ứng xử với Bắc Kinh.

Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn hâm nóng mối quan hệ với Trung Quốc trong khi Pháp muốn chứng tỏ một vai trò độc lập như "nhân tố thứ ba" giữa Trung Quốc và Mỹ. Vì vậy dư luận Nhật Bản vẫn không hoàn toàn tin tưởng vào các quan điểm của Pháp.

Trên thực tế, Nhật Bản đã phản ứng mạnh trước việc tập đoàn DCNS của Pháp năm 2013 bán tấm lưới sàn đỗ máy bay trực thăng quân sự cho Trung Quốc, một công nghệ được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận bán vũ khí của châu Âu cho Bắc Kinh. Một ủy ban kiểm soát chung về xuất khẩu trang thiết bị quốc phòng đã được thành lập để trấn an Tokyo về thương vụ này.

Cho dù đã gắn kết các mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ và Australia trong các hợp đồng vũ khí béo bở, Paris gặp nhiều khó khăn trong việc bán khí tài cho Nhật Bản, vốn liên kết rất chặt chẽ với tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ.

Một cản trở khác, nếu hai nước quyết tâm tái khẳng định mối quan hệ đối tác song phương, thì "bóng ma" của vụ án cựu Chủ tịch liên doanh Renault-Nissan Carlos Ghosn cùng những "khúc quanh" liên quan đến thời hạn và điều kiện giam giữ, đe dọa sẽ gây ảnh hưởng xấu.

Với mong muốn ưu tiên giải cứu liên doanh Renault-Nissan, Tổng thống Macron đã kêu gọi hai bên tỏ ra "mạnh mẽ hơn" bất chấp căng thẳng. Sau chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ông Macron sẽ tới Osaka dự Hội nghị cấp cao G20, diễn ra trong hai ngày 28-29/6.

Sự kiện là cơ hội thể hiện rõ hơn nữa quan điểm thống nhất giữa hai vị nguyên thủ quốc gia, nhất là trong các lĩnh vực phát triển, giảm bất bình đẳng, chống biến đổi khí hậu và thương mại quốc tế.

Thời gian gần đây, Tổng thống Macron và Thủ tướng Abe đều có chung một mối bận tâm: bảo vệ trật tự đa phương quốc tế đang bị đe dọa nghiêm trọng. Hai nhà lãnh đạo cố gắng tạo ra một động lực để thúc đẩy các đối tác chung, từ cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu một cách hiệu quả hơn đến việc tìm kiếm sự hiệp lực để giải quyết sự bất bình đẳng hay ô nhiễm rác thải nhựa.

Trên khía cạnh này, chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Nhật Bản giúp lãnh đạo hai nước tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để cùng nhau tìm ra những điểm đồng thuận trong các chủ đề gai góc sẽ được thảo luận tại hội nghị G20 cũng như tại hội nghị G7 tới, như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, căng thẳng giữa Mỹ và Iran, những khó khăn trong việc thực hiện các cam kết trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.

Đây sẽ là nhiệm vụ không mấy dễ dàng cho cả hai nước bởi Nhật Bản đang muốn tổ chức hội nghị G20 thành công để nâng cao uy tín của Thủ tướng Abe trước thềm cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 tới, trong khi tham vọng của ông Macron là thể hiện hình ảnh nhà lãnh đạo quyết đoán và mạnh mẽ trên trường quốc tế sau những căng thẳng trong nước.

Tổng thống Macron đã tuyên bố rằng Pháp sẽ không ký bất kỳ tuyên bố G20 nào nếu như không có sự chuyển biến trong việc triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đặc biệt sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Tuy nhiên, với sự hội tụ lợi ích trong nhiều lĩnh vực, Pháp và Nhật Bản đang phối hợp chặt chẽ với nhau trong các vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục