Trang thông tin The Conversation vừa đăng bài viết của Craig Jeffrey, Giám đốc Học viện Australia-Ấn Độ, giáo sư Địa lý Phát triển, Đại học Melbourne của Australia, phân tích về tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Ấn Độ Dương trên trường quốc tế.
Nội dung bài viết như sau:
Trong những ngày vừa qua, Ngoại trưởng Australia Marise Payne công bố những nỗ lực tăng cường sự tham gia của Australia trong khu vực Ấn Độ Dương và tầm quan trọng của việc hợp tác với Ấn Độ trong quốc phòng và các lĩnh vực khác.
Phát biểu tại Đối thoại Raisina tại Delhi, hội nghị địa chính trị do chính phủ Ấn Độ đồng tổ chức, bà Payne nói: “Tương lai của chúng ta đan xen với nhau và phụ thuộc nhiều vào mức độ hiệu quả của sự hợp tác giữa chúng ta trước các thách thức và cơ hội ở Ấn Độ Dương trong các thập kỷ tới.”
Theo thông báo của bà Payne, Australia sẽ dành 25 triệu AUD cho chương trình hạ tầng ở khu vực Nam Á trong 4 năm (Sáng kiến Liên kết Hạ tầng Khu vực Nam Á-SARIC), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giao thông và năng lượng.
Ngoại trưởng Australia cũng nhắc đến những hoạt động quốc phòng ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương. Trong năm 2014, Australia và Ấn Độ đã tiến hành 11 hoạt động quốc phòng chung, nhưng đến năm 2018, con số này tăng lên 38.
Bài phát biểu của bà Payne nhấn mạnh đến sức mạnh đang lên của khu vực Ấn Độ Dương trong các vấn đề quốc tế. Khu vực này bao gồm Ấn Độ Dương và các nước ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có Australia, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Madagascar, Somalia, Tanzania, Nam Phi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Yemen.
Về ý nghĩa chính trị toàn cầu, Đại Tây Dương được coi là đại dương của ông bà và cha mẹ chúng ta; Thái Bình Dương là đại dương của chúng ta và con chúng ta; và Ấn Độ Dương là đại dương của con và cháu chúng ta. Tại sao khu vực này là của thế hệ tương lai? Tuổi trung bình của người dân các nước trong khu vực là dưới 30, so với 38 ở Mỹ và 46 ở Nhật Bản.
Các nước nằm bên bờ Ấn Độ Dương có tổng dân số 2,5 tỷ, chiếm 1/3 dân số thế giới. Tuy nhiên cũng có lý do cả về kinh tế và chính trị để nhận định rằng Ấn Độ Dương là một khu vực mới nổi quan trọng trong các vấn đề quốc tế và là ưu tiên chiến lược đối với Australia.
Khoảng 80% thương mại dầu lửa bằng đường biển thế giới phải đi qua ba đường biển hẹp, được coi là điểm nghẽn, ở Ấn Độ Dương, trong đó có Eo Hormuz nằm ở giữa Vịnh Persia và Vịnh Oman, là lối đi duy nhất từ Vịnh Persia ra Ấn Độ Dương.
Các nền kinh tế trong khu vực Ấn Độ Dương đang tăng trưởng nhanh, trở thành nơi các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội mới. Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia và Tanzania đã có sự tăng trưởng kinh tế hơn 5% trong năm 2017, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới là 3,2%. Ấn Độ là nền kinh tế lớn, phát triển nhanh nhất trên thế giới. Với một dân số có thể trở thành đông nhất thế giới trong các thập kỷ tới, Ấn Độ cũng là nước có tiềm năng nhất.
Về chính trị, Ấn Độ Dương đang trở thành khu vực quan trọng của cạnh tranh chiến lược. Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm triệu đôla trong các dự án hạ tầng khắp khu vực như là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Trung Quốc đã cho Kenya vay 3,2 tỷ USD để xây dựng tuyến đường sắt dài 470km, dự án hạ tầng lớn nhất của nước này trong hơn 50 năm qua, nối thủ đô Nairobi với thành phố cảng Mombasa. Các công ty có sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc cũng đang đầu tư vào hạ tầng và cảng ở Sri Lanka, Maldives và Bangladesh.
[Đem lại hòa bình, thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
Các cường quốc phương Tây, bao gồm cả Australia và Mỹ, đã tìm cách cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực bằng cách triển khai các quỹ hạ tầng, chẳng hạn như quỹ trị giá 113 triệu USD của Mỹ được công bố vào tháng 8/2018 dành cho các dự án kinh tế số, năng lượng và hạ tầng trong khu vực.
Về mặt an ninh, cướp biển, di dân bất hợp pháp, và sự tồn tại của các nhóm cực đoan ở Somalia, Bangladesh và một số khu vực ở Indonesia là những mối đe dọa trực tiếp cho các nước trong khu vực.
Các nước trong khu vực cần phối hợp sức mạnh kinh tế và giải quyết những rủi ro địa chính trị. Ấn Độ, nước lớn nhất trong khu vực, cần có một vai trò lãnh đạo hợp lý.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Đối thoại Shangri La tổ chức vào tháng 6/2018: “Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực tự nhiên. Khu vực này có rất nhiều cơ hội và thách thức toàn cầu. Tôi ngày càng tin tưởng rằng với mỗi ngày trôi qua số phận của những người như chúng tôi sống ở trong khu vực này ngày càng gắn kết với nhau hơn.”
Khác với những người tiền nhiệm trước, ông Modi đã đi khắp bờ biển phía Đông của châu Phi để thúc đẩy hợp tác và củng cố quan hệ thương mại và đầu tư và ông đã đưa ra những tầm nhìn tham vọng về lợi ích hợp tác giữa Ấn Độ và châu Phi.
Các nhóm rộng lớn hơn cũng đang xuất hiện. Năm 1997, các quốc gia nằm bên bờ Vịnh Bengal đã thành lập tổ chức Sáng kiến Vịnh Bengal vì Hợp tác Kinh tế, Kỹ thuật Đa lĩnh vực (BIMSTEC), nhằm thúc đẩy các mối quan hệ và các nước này hiện đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do.
Australia, cùng với 21 quốc gia khác trong khu vực là thành viên của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) có mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tự do hóa thương mại và an ninh.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Ấn Độ và sự tăng trưởng của khu vực này, hợp tác trong khu vực vẫn còn khá yếu so với các sáng kiến của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Sách trắng về Chính sách Đối ngoại năm 2017 của Australia mong muốn hỗ trợ IORA trên các lĩnh vực như an ninh hàng hải và luật pháp quốc tế.
Các tổ chức tư nhân như Minderoo Foundation đang tiến hành nghiên cứu như là một phần của sáng kiến Oceans Flourishing về di cư của sinh vật biển để thúc đẩy sự bền vững và bảo tồn môi trường. Australia có thể tập trung hơn vào việc làm thế nào để thúc đẩy Ấn Độ Dương.
Giới ngoại giao Australia trước đây chỉ coi châu Á dừng lại ở Malta. Và cách hiểu chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay cũng chỉ mở rộng về phía Tây tới Ấn Độ. Điều còn thiếu, ngoài tính liên quan lịch sử và ý nghĩ kinh tế và chính trị hiện nay của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính là tầm quan trọng của đại dương này, không chỉ quan trọng về thương mại và các mối quan hệ.
Nếu như Ấn Độ Dương được ví như một khu "rừng nhiệt đới" và được thừa nhận rộng rãi là nơi có đa dạng sinh học khổng lồ, hãy quan tâm tới tiếng kêu cứu trước tình trạng ô nhiễm hiện nay của đại dương này để bảo vệ nó. Những rặng san hô, rừng ngập mặn và các loài sinh vật biển sống ở Ấn Độ Dương đang bị đe dọa.
Theo một số ước tính, Ấn Độ Dương đang ấm lên nhanh gấp ba lần so với Thái Bình Dương. Đánh bắt hải sản quá mức, suy thoái ven biển và ô nhiễm cũng đang làm tổn hại đến Đại dương này. Điều này có tác hại đến hàng chục triệu ngư dân sống dựa vào các nguồn lực hải sản cũng như tất cả người dân trong khu vực.
Australia cần phải tiếp tục củng cố các quan hệ trong khu vực, ví dụ với Ấn Độ và Indonesia, và cũng cần xây dựng các quan hệ mới, nhất là ở châu Phi./.