Ngày 1/4, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cảnh báo việc Ấn Độ tạm hoãn bàn giao vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho cơ chế phân phối vaccine COVAX sẽ làm ảnh hưởng đến các kế hoạch tiêm chủng ở khu vực và có thể để lại tác động nghiêm trọng nếu tình trạng này kéo dài.
Tuần trước, hãng tin Reuters đưa tin Ấn Độ tạm dừng các hoạt động xuất khẩu số lượng lớn vaccine của hãng AstraZeneca do Viện Huyết thanh SII sản xuất để ưu tiên nhu cầu trong nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc CDC châu Phi Nkengasong cho biết quyết định của Ấn Độ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng duy trì các chương trình tiêm chủng ở châu Phi.
Ông nhấn mạnh, nếu thiếu nguồn cung vaccine, Liên minh châu Phi (AU) có thể sẽ không đạt được mục tiêu đến cuối năm nay tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 30-35% dân số.
Hiện AU chủ yếu dựa vào nguồn cung vaccine của cơ chế COVAX trong đó nhiều nước châu Phi sẽ nhận được vaccine từ viện SII của Ấn Độ. COVAX đặt mục tiêu cung ứng đủ số vaccine cho các quốc gia châu Phi để đủ tiêm cho ít nhất 20% dân số trong khu vực.
AU đang đàm phán với các nhà sản xuất vaccine để giúp các nước thành viên đảm bảo thêm số vaccine cần thiết để đạt được tỷ lệ 60% dân số được tiêm chủng.
[Dịch COVID-19: Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Ấn Độ vượt hơn 12 triệu ca]
Đầu tuần này, hãng dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ thông báo sẽ cung ứng cho AU 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, dự kiến bắt đầu bàn giao vào quý 3năm nay và sẽ tiếp tục vào năm 2022. Số vaccine này không nằm trong cơ chế COVAX.
Theo phóng viên TTXVN tại New Dehli, một quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị New Delhi cho khối này mua 10 triệu liều vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca từ Viện SII.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy New Delhi đang đối mặt với sức ép đang gia tăng trong việc xuất khẩu thêm vaccine sang các nước khác.
EU muốn mua số vaccine trên từ SII, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung tại các nhà máy của AstraZeneca ở châu Âu và đẩy nhanh quá trình triển khai vaccine của khối này.
Tuy nhiên, quan chức giấu tên trên cho rằng khó có khả năng Ấn Độ sẽ nhanh chóng chấp thuận yêu cầu của EU, bởi chính nước này cũng đang tìm nỗ lực rộng chiến dịch tiêm chủng trong nước, giữa lúc đang phải chật vật đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Hiện Anh cũng đang gây sức ép đòi Ấn Độ phải xuất khẩu nửa còn lại của 10 triệu liều mà họ đã đặt mua từ SII.
Cho đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu 64 triệu liều vaccine COVID-19 sang 83 quốc gia, và cũng đã tiêm số lượng tương đương cho người dân trong nước. Ngày 1/4, Ấn Độ bắt đầu mở rộng chương trình chủng ngừa COVID-19 để bao cả những người trên 45 tuổi, động thái dự kiến sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu về vaccine.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 72.330 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong hơn 5 tháng qua, nâng tổng số ca bệnh lên 12,2 triệu ca, xếp thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Brazil./.