Ấn Độ điều tra chống bán phá giá với sản phẩm ván sợi từ Việt Nam

Các doanh nghiệp cần chủ động liên lạc để được Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ cung cấp bản câu hỏi và nộp bản trả lời trong vòng 60 ngày kể từ ngày ban hành thông báo về việc khởi xướng.
Ảnh minh họa.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) vừa thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm ván sợi MDF có độ dày dưới 6mm xuất xứ từ Việt Nam và một số nước.

Nguyên đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Greenply Industries, Công ty trách nhiệm hữu hạn Greenpanel Industries, Công ty trách nhiệm hữu hạn Century Plyboards. Đây cũng là nguyên đơn trong vụ việc Ấn Độ điều tra chống trợ cấp vào ngày 5/11/2019.

Phân loại theo các mã HS: 4411.12; 4411.13; 4411.92; 4411.93; 4411.94. Việc phân loại chỉ có tính tham khảo, DGTR có thể mở rộng hoặc thu hẹp mã HS để phù hợp với mô tả hàng hóa.

Thời kỳ điều tra phá giá từ tháng 1-12/2019; thời kỳ điều tra thiệt hại từ tháng 4/2016-12/2019. Bản câu hỏi điều tra và thời hạn trả lời DGTR sẽ gửi Bản câu hỏi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu được biết tới.

[Cung cấp thông tin điều tra chống bán phá giá sợi làm từ polyester]

Các doanh nghiệp khác cần chủ động liên lạc để được DGTR cung cấp bản câu hỏi và nộp bản trả lời trong vòng 60 ngày kể từ ngày ban hành thông báo về việc khởi xướng.

Trong trường hợp cần thiết, các công ty có thể nộp yêu cầu gia hạn thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi điều tra để DGTR xem xét.

Để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần liên lạc với DGTR để đăng ký tham gia và nhận bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và nộp bản câu hỏi điều tra theo đúng thời hạn quy định; hợp tác toàn diện với DGTR trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, bao gồm cả việc điều tra tại chỗ để xác minh các nội dung trong bản trả lời câu hỏi.

Mặt khác, doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Ấn Độ để nâng cao tiếng nói với Chính phủ Ấn Độ, yêu cầu DGTR xem xét nghiêm túc lợi ích kinh tế xã hội chung, quyền lợi của người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục