Ấn Độ điều chỉnh chính sách quản lý thị trường gạo

Ấn Độ yêu cầu giảm tỷ lệ gạo mà các nhà máy xay xát buộc phải bán cho chính phủ từ mức 30-75% hiện nay xuống 25% từ ngày 1/10.
Chính phủ Ấn Độ vừa yêu cầu tất cả các bang giảm tỷ lệ gạo mà các nhà máy xay xát buộc phải bán cho chính phủ từ mức 30-75% hiện nay xuống 25% từ ngày 1/10.

Động thái này có thể tác động tiêu cực tới thu nhập của các hộ nông dân trong niên vụ tới (từ tháng 10/2013 đến tháng 9/2014).

Hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đang thu mua gạo từ các hộ nông dân và nhà máy xay xát.

Theo cơ chế quản lý hiện hành ở Ấn Độ, các nhà máy xay xát chỉ được phép bán ra thị trường một tỷ lệ nhất định (từ 25-50% ở một số bang sản xuất lúa gạo chủ chốt) gạo mà họ đã mua trên thị trường mở. Số gạo còn lại sẽ được các cơ quan của Chính phủ mua lại ở mức giá hỗ trợ tổi thiểu (MSP) để cung cấp cho hệ thống phân phối công (PDS) và các chương trình phúc lợi xã hội khác.

Đối với số gạo mà các nhà máy xay xát phải bán cho các cơ quan của Chính phủ, những người trồng lúa gạo được hưởng mức giá MSP.

Mạng tin oryza.com dẫn lời các chuyên gia nhận định việc dỡ bỏ hoặc hạ thấp tỷ lệ gạo mà Chính phủ thu mua sẽ giúp củng cố thị trường lúa gạo.

Nếu chính sách mới được thực thi, khoảng 15-20 triệu tấn gạo sẽ được đưa vào thị trường, giúp tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển và bảo quản cho Chính phủ. Người tiêu dùng có thể sẽ được hưởng lợi với mức giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, những người trồng lúa sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là nông dân ở các bang như Andhra Pradesh, Uttar Pradesh, Odisha, Bihar và West Bengal - nơi các nhà máy xay xát trả cho người nông dân mức giá thấp hơn nhiều so với MSP.

Các nhà máy cho biết họ không đủ chỗ chứa gạo nên phải giảm cả lượng mua và giá thu mua để bù đắp chi phí kho bãi cao hơn vào năm tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục