Ấn Độ đau đầu với hơn 460 tỷ USD tiền phi pháp

Khoản “tiền đen” bị rút ruột từ Ấn Độ trong 62 năm qua vào khoảng gần 462 tỷ USD, bằng 40% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước này.
Theo Global Financial Integrity, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về tài chính toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, số tiền có nguồn gốc phi pháp và được đưa lậu từ Ấn Độ ra nước ngoài để trốn thuế được gọi lóng là “tiền đen” đã lên tới 462 tỷ USD kể từ năm 1948 đến năm 2008.

Một nửa trong trong số này bị đưa lậu ra nước ngoài trong giai đoạn từ năm 1991 đến nay.

Global Financial Integrity cho rằng khoản “tiền đen” bị rút ruột từ Ấn Độ trong 62 năm qua vào khoảng gần 21.000 tỷ rupee (tương đương với gần 462 tỷ USD), bằng 40% tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước này hiện nay và gấp hơn 12 lần khoản thiệt hại do vụ bê bối bán đấu giá dịch vụ điện thoại không dây thế hệ thứ hai (2G) năm 2008 gây ra cho ngân quỹ Ấn Độ (hơn 38 tỷ USD).

Ông Kar, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng dòng tiền chảy bất hợp pháp khỏi Ấn Độ đã tăng 11,5%/năm.

Trong cuốn sách nghiên cứu nhan đề “Hướng đi và động năng của các dòng tiền chảy lậu khỏi Ấn Độ giai đoạn 1948-2008,” ông Kar cho rằng lượng tiền Ấn Độ bị thất thoát đã tăng nhanh kể từ sau khi nước này tiến hành các cải cách kinh tế hồi năm 1991, và số tiền bị đưa lậu ra nước ngoài từ năm 2000-2008 chiếm tới 1/3 tổng số tiền đen của Ân Độ ở nước ngoài.

Riêng từ năm 2004 đến 2008, mỗi năm có tới 19 tỷ USD “trốn” khỏi Ấn Độ. Nếu thu hồi được khoản tiền khổng lồ này về nước, Ấn Độ dễ dàng trả hết món nợ nước ngoài trên 230 tỷ USD năm 2008 và còn dư rất nhiều để phát triển kinh tế và thực hiện chương trình xóa nghèo ở nước này.

Nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu “tiền” nói trên, tháng 8 vừa qua Chính phủ Ấn Độ đã ký với Thụy Sĩ, nơi có các ngân hàng tình nghi giữ nhiều khoản ‘tiền đen,” một hiệp định cho phép trao đổi thông tin về những người trốn thuế.

New Delhi cũng đang đàm phán với ít nhất 20 nước và vùng lãnh thổ được coi là “thiên đường trốn thuế” trên thế giới, trong đó có Mauritius về việc chia sẻ thông tin tương tự. Tuy nhiên, kết quả thu được cho đến chẳng đáng kể vì các chủ ngân hàng muốn giữ bí mật cho người gửi để “giữ mối làm ăn” lâu dài.

Hơn nữa, việc truy tìm ra cũng không dễ dàng vì trên thế giới có ít nhất 91 nơi thu hút các khoản tiền lậu như vậy, trong đó tại châu Á có Thái Lan, Singapore và Hongkong và Macau (Trung Quốc).

Chính vì lý do này, việc truy tìm nguồn gốc các khoản tiền đen đề đưa về phát triển đất nước vẫn là một vấn đề nan giải về lâu dài đối với Chính phủ Ấn Độ./.

Phạm Thảo/New Delhi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục