Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất 27.000 MW điện hạt nhân

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cho biết nước này đặt mục tiêu sản xuất hơn 27.000 MW điện hạt nhân trong 10 năm tới.

Phát biểu khi khởi công xây dựng Trung tâm toàn cầu về đối tác năng lượng hạt nhân tại quận Jhajjar, bang Haryana ngày 3/1, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói rằng để đáp ứng như cầu điện trong tương lai, Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất hơn 27.000 MW điện hạt nhân trong 10 năm tới.

Coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng “an toàn, sạch và đáng tin cậy,” song Thủ tướng Singh nói thách thức lớn là bảo đảm không để nguyên liệu sản xuất nguồn năng lượng này vào sai đối tượng, như bọn khủng bố và tội phạm.

Thủ tướng Singh nhấn mạnh điều quan trọng là các nhà máy điện hạt nhân của Ấn Độ phải tuân thủ những quy chế an toàn tốt nhất.

Theo Thủ tướng Singh, sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima của Nhật Bản năm 2011, Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp mới nhằm bảo đảm an toàn về thiết kế và quản lý các nhà máy điện hạt nhân. Ông cho rằng Trung tâm toàn cầu về đối tác năng lượng hạt nhân của Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường an toàn của các nhà máy điện hạt nhân và nguyên liệu hạt nhân nhằm thực hiện chính sách an ninh năng lượng một cách tự tin hơn.

Thủ tướng Singh nêu rõ với sự tăng trưởng dân số và đô thị hóa, nhu cầu về điện sẽ ngày càng tăng. Để bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, Ấn Độ phải tăng sản xuất điện. Đây là điều quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp và nhu cầu dân dụng.

Trung tâm toàn cầu về đối tác năng lượng hạt nhân mà Ấn Độ vừa khởi công xây dựng sẽ góp phần thu hút các nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới. Trung tâm này không chỉ quan trọng đối với Ấn Độ, mà quan trọng đối với cả thế giới. Để thực hiện mục tiêu này, Ấn Độ sẽ làm việc với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các nước như Nga, Pháp và Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục