Ấn Độ công bố dự thảo ngân sách cho tài khóa 2015-2016

Ấn Độ đã thông báo dự thảo ngân sách cho tài khóa 2015-2016, trong đó cam kết kích thích nền kinh tế thông qua cắt giảm thuế doanh nghiệp và thiết lập hệ thống an sinh xã hội.
Ảnh minh họa. (Nguồn: nytimes.com)

Ngày 28/2, Ấn Độ đã thông báo dự thảo ngân sách cho tài khóa 2015-2016, trong đó cam kết kích thích nền kinh tế thông qua cắt giảm thuế doanh nghiệp và thiết lập hệ thống an sinh xã hội trên toàn thế giới cho tất cả công dân nước này.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley đã đệ trình bản dự thảo ngân sách lên quốc hội, đồng thời nhấn mạnh "Ấn Độ đã sẵn sàng để cất cánh và đây là thời điểm để tiến hành bước đột phá về cải cách." Đáng chú ý trong những thay đổi, thuế doanh nghiệp sẽ giảm từ 30% xuống 25% trong vòng bốn năm bắt đầu từ năm tới nhằm thu hút đầu tư.

Ông Jaitley nhận định nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh với lạm phát giảm và dự trữ ngoại tệ cao. Mục tiêu hiện nay là duy trì lạm phát dưới 6%. Về phúc lợi xã hội, ông Jaitley cho biết đã đề xuất thành lập một hệ thống an sinh xã hội toàn cầu cho mọi người dân Ấn Độ.

Bộ trưởng Jaitley cũng hoãn việc thực thi Các điều luật chống trốn thuế phổ biến (GAAR) gây tranh cãi đến năm 2017. Theo đó, các điều luật này sẽ ngăn các công ty chuyển giao dịch sang các công ty khác để trốn thuế. Thuế đối với tầng lớp giàu có sẽ bị bỏ và thay thế bằng đánh thêm 2% vào tầng lớp siêu giàu, một động thái mà ông Jaitley cho rằng sẽ tăng 90 tỷ rupee (1,4 tỷ USD) cho nguồn thu của chính phủ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn dự định xây dựng năm nhà máy năng lượng với công suất 4.000 megawatt và đầu tư vào cơ sở hạ tầng tới hơn11 tỷ USD. Ngoài ra, chi tiêu trong lĩnh vực quốc phòng sẽ tăng từ 2.290 tỷ rupee lên 2.470 tỷ rupee (tương đương trên 40 tỷ USD).

Chính phủ Ấn Độ đã thông qua báo cáo đánh giá nền kinh tế nước này giai đoạn 2011-2015 và dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế tăng trưởng trên 8,1% trong tài khóa 2015-2016.

Theo báo cáo, trong giai đoạn năm 2011-2013, kinh tế Ấn Độ phải đối mặt với nhiều thách thức như suy thoái kinh tế, lạm phát, thâm hụt ngân sách tăng cao, nhu cầu nội địa giảm và đồng rupee mất giá. Tuy nhiên, đến tài khóa 2014-2015, khu vực dịch vụ đã tăng hơn 10%, trong khi lĩnh vực công nghệ thông tin đã tạo ra khoảng 3,5 triệu lao động và doanh thu đều đặn hàng năm khoảng 119 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 100 tỷ USD.

Trên cơ sở đó, báo cáo cũng dự báo Ấn Độ có thể là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2015-2016 với tỷ lệ tăng trưởng GDP từ 8,1%-8,5% so với 7,4% trong năm 2014-2015. Thâm hụt ngân sách sẽ được hạn chế ở mức 4,1% GDP.

Để đạt mục tiêu này, báo cáo nhấn mạnh Ấn Độ phải duy trì tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu cao, cân đối giữa chính sách trợ cấp lương thực với việc giảm thâm hụt ngân sách, đẩy mạnh đầu tư công và không làm xáo trộn các nguyên tắc tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục