Tờ The Indian Express vừa đăng bài viết nhận định về sự cần thiết của việc kiểm soát an ninh quốc gia liên quan đến các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc.
Theo bài viết, những đánh giá của Ấn Độ đối với nguồn FDI từ Trung Quốc trong thời gian COVID-19 đã phản ánh tầm quan trọng của việc xác định các mối đe dọa an ninh quốc gia từ đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, một bộ luật là cần thiết để xử lý các vấn đề FDI của quốc gia Nam Á này trong thời gian tới.
Sự cần thiết của một bộ luật về FDI tại Ấn Độ
Truyền thông Ấn Độ gần đây nhận định New Delhi có thể nới lỏng một phần đối với các khoản FDI từ Trung Quốc. Tháng 4/2020, Ấn Độ đã đưa tất cả FDI của nước này vào diện thuộc kiểm soát của chính phủ.
Mục đích là hạn chế cơ hội thâu tóm các công ty Ấn Độ - mối lo ngại được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán vào tháng 3/2020.
Tuy nhiên, với các chỉ số thị trường hiện đang ở mức cao, Ấn Độ có thể cho phép FDI Trung Quốc chiếm tới 25% vốn chủ sở hữu theo lộ trình tự động, nhằm mang lại sự hỗ trợ ngay lập tức cho nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp.
Những diễn biến của giai đoạn này là một bài học về chính sách sâu sắc hơn. Cũng giống như Ấn Độ, một số nền kinh tế như Mỹ, Australia, Canada và Đức cũng phải đối mặt với những lo ngại tương tự.
Họ đã chặn các nỗ lực tiếp quản cụ thể, sử dụng luật đặc biệt để kiểm tra an ninh quốc gia đối với các nguồn FDI vào. Mặc dù vậy, trong bối cảnh chưa có luật tương tự, Ấn Độ đã không phân biệt giữa các khoản đầu tư gây lo ngại về an ninh quốc gia và những khoản đầu tư khác. Đây là một thiếu sót quan trọng.
Ấn Độ điều chỉnh các khoản đầu tư nước ngoài chủ yếu thông qua Cơ quan quản lý khẩn cấp quốc gia (FEMA) với hai mục tiêu an toàn vĩ mô một cách cụ thể - tạo thuận lợi cho thương mại và thanh toán bên ngoài đồng thời thúc đẩy sự phát triển có trật tự và duy trì thị trường ngoại hối ở Ấn Độ.
[Kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 11% trong tài khóa 2021-2022]
Theo đó, trao quyền cho chính phủ trung ương và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) hành động với sự tham vấn của nhau, để điều chỉnh các giao dịch tài khoản vốn.
Các quy định này sẽ xác định ai có thể đầu tư thông qua con đường FDI, vào lĩnh vực nào và số lượng bao nhiêu. Tuy nhiên, thực tế quy định của FEMA thường giải đáp những lo ngại không liên quan chặt chẽ đến các mục tiêu an toàn vĩ mô. Một trong những mối quan tâm là an ninh quốc gia.
Điều này cho thấy mặc dù các ứng dụng như vậy của FEMA được triển khai khi xảy ra khủng hoảng, nhưng đã đến lúc Ấn Độ học tập kinh nghiệm của Mỹ và phương Tây và ban hành một quy chế được thiết kế đặc biệt để kiểm tra an ninh quốc gia đối với FDI chiến lược.
Ba mối đe dọa cần lưu ý
Tác giả cũng cho rằng, không giống như FEMA, quy chế mới này phải đưa ra các nguyên tắc pháp lý một cách rõ ràng để xác định khi nào một thương vụ mua lại công ty Ấn Độ ở nước ngoài gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia thực sự.
Về vấn đề này, một bài báo chính sách do Viện Kinh tế Quốc tế Peterson của tác giả là Theodore H. Moran xác định ba loại mối đe dọa hợp pháp từ việc mua lại nước ngoài.
Thứ nhất, mối đe dọa nảy sinh nếu một thương vụ mua lại từ nước ngoài khiến Ấn Độ phụ thuộc vào một nhà cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ do nước ngoài kiểm soát, vốn rất quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế Ấn Độ.
Tuy nhiên, để mối đe dọa này trở nên rõ ràng hơn, việc hàng hóa hoặc dịch vụ do công ty mục tiêu cung cấp là “quan trọng” đối với Ấn Độ là chưa đủ. Chính phủ cần phải xác định rằng những ngành nghề có phát sinh việc mua lại thường diễn ra với sự tập trung chặt chẽ, số lượng sản phẩm thay thế gần gũi có hạn và chi phí chuyển đổi cao.
Với những điều kiện này tồn tại, có thể xác định một mối đe dọa an ninh đối với Ấn Độ, xuất phát từ sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp do nước ngoài kiểm soát.
Thứ hai là mối đe dọa xuất phát từ việc mua lại được đề xuất chuyển giao công nghệ hoặc chuyên môn cho một thực thể do nước ngoài kiểm soát có thể được triển khai bởi thực thể đó hoặc một chính phủ nước ngoài theo cách có hại cho lợi ích quốc gia của Ấn Độ.
Mức độ rõ ràng của mối đe dọa này một lần nữa phụ thuộc vào việc thị trường cho công nghệ hoặc chuyên môn đó có tập trung chặt chẽ hay không hoặc liệu chúng có được tìm thấy dễ dàng ở những nơi khác hay không.
Thứ ba là mối đe dọa phát sinh nếu một vụ mua lại được đề xuất cho phép thêm một số khả năng xâm nhập, giám sát hoặc phá hoại tiềm ẩn thông qua các tác nhân đối với việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế Ấn Độ.
Mối đe dọa này đặc biệt rõ ràng khi công ty cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng cho Chính phủ Ấn Độ, quân đội hoặc các đơn vị cơ sở hạ tầng quan trọng của họ và chi phí chuyển đổi cao.
Có thể nói, sự rõ ràng về khái niệm như vậy trong quy chế mới có thể làm cho các đánh giá an ninh quốc gia trở nên khách quan, minh bạch và phù hợp với pháp quyền.
Về thủ tục, quy chế chỉ trao quyền cho Bộ trưởng Tài chính từ chối một số vụ mua lại chiến lược của nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia. Cả hai cơ chế quyền lực và trách nhiệm giải trình nên được ghi rõ vào chính quy chế, như trường hợp của một số nền dân chủ nghị viện.
Ví dụ, Đạo luật Mua lại và Tiếp quản Nước ngoài của Australia năm 1975 trao quyền cho Ngân hàng dự trữ nước này (RBA) ngăn chặn một số hoạt động mua lại của nước ngoài vì lý do an ninh quốc gia. RBA được tư vấn về những vấn đề này bởi Ban Đánh giá Đầu tư Nước ngoài không theo luật định và ngân hàng phải đưa ra quyết định của mình trong vòng 30 ngày, có thể gia hạn thêm 90 ngày.
Nếu RBA từ chối một thương vụ mua lại từ nước ngoài, cơ quan này phải đưa ra một lệnh bằng văn bản phải được đăng ký trên Cơ quan Đăng ký Pháp chế Liên bang.
Tương tự, Đạo luật Canada về Đầu tư năm 1985 trao quyền cho một Bộ trưởng từ chối một số vụ mua lại nước ngoài khi nhận được khuyến nghị và hỗ trợ từ giám đốc đầu tư. Bộ trưởng có 45 ngày để quyết định, có thể gia hạn thêm 30 ngày. Nếu Bộ trưởng không chấp thuận hoặc từ chối việc mua lại trong thời gian đó, việc mua lại được coi là đã được chấp thuận.
Nếu Bộ trưởng không hài lòng rằng việc mua lại được đề xuất có thể mang lại lợi ích cho Canada, nhà đầu tư có quyền đại diện trực tiếp hoặc thông qua đại diện. Nếu Bộ trưởng vẫn không hài lòng, có thể từ chối việc mua lại của nước ngoài thông qua một quyết định hợp lý. Sự rõ ràng về thủ tục tương tự cũng nên được áp dụng ở Ấn Độ.
Cuối cùng, tác giả cho rằng, nỗ lực của Ấn Độ với FDI của Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định các mối đe dọa an ninh quốc gia cụ thể bắt nguồn từ FDI chiến lược và giải quyết chúng một cách khách quan.
Trong bối cảnh đó, một quy chế dành riêng cho việc kiểm tra an ninh quốc gia đối với nguồn FDI chảy vào sẽ là phù hợp nhất để xử lý các vấn đề như vậy./.