Ấn Độ, ASEAN cần phối hợp tầm nhìn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ấn Độ và ASEAN có những điểm tương đồng trong tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hai bên cần phối hợp với nhau để có thể thúc đẩy hiệu quả tầm nhìn này.
Ấn Độ, ASEAN cần phối hợp tầm nhìn về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1(Nguồn: The Daily Star)

Báo Indian Express mới đây đăng bài viết của Gautam Bambawale, giáo sư Đại học Deemed (bang Maharashtra), cựu Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan và Trung Quốc, đánh giá Ấn Độ và ASEAN có những điểm tương đồng trong tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hai bên cần phối hợp với nhau để có thể thúc đẩy hiệu quả tầm nhìn này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 vừa qua ở Bangkok, các nhà lãnh đạo khối này cuối cùng đã thông qua Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Mặc dù ASEAN không nêu rõ phạm vi địa lý cấu thành khu vực này là gì, dường như có một số điểm tương đồng giữa các cách tiếp cận của Ấn Độ và ASEAN đối với khu vực trọng yếu này.

Thừa nhận rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một phần rất quan trọng của thế giới từ cả góc độ địa chính trị lẫn địa kinh tế, ASEAN rõ ràng muốn các diễn biến ở đây phải xoay quanh ASEAN như là một trung tâm và thậm chí là do ASEAN lãnh đạo.

Tầm nhìn coi tính trung tâm của ASEAN là nguyên tắc cơ bản để thúc đẩy hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với các cơ chế do ASEAN dẫn đầu là những nền tảng cho đối thoại và triển khai hợp tác ở khu vực này.

Cách tiếp cận như vậy của ASEAN khá gần với lập trường của Ấn Độ, vốn được Thủ tướng Narendra Modi nêu rõ tại Đối thoại Shangri-la hồi tháng 6/2018.

Trong bài phát biểu của mình, ông Modi nhấn mạnh rằng liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, "Đông Nam Á nằm ở trung tâm. Và ASEAN đã và sẽ là trung tâm của khu vực này trong tương lai. Đó là tầm nhìn sẽ luôn định hướng cho Ấn Độ."

Điểm tương đồng này có lợi cho cả hai bên, bởi hai bên đã có những lĩnh vực hợp tác đáng kể trong khuôn khổ "ASEAN + Ấn Độ" và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

[Vai trò và thách thức của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Ngoài ra, hai bên cũng hợp tác trong nhiều diễn đàn và phương tiện hợp tác do ASEAN dẫn đầu.

Mục tiêu thứ hai của ASEAN, liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng bằng việc duy trì một "kiến trúc khu vực dựa trên luật lệ."

Về phần mình, Ấn Độ cũng tìm kiếm một trật tự như vậy và phải áp dụng bình đẳng với tất cả, đối với từng quốc gia và với cả các khu vực trên toàn thế giới. Tầm nhìn mới của ASEAN nhắc đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong khi đề cập việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, mà có thể được hiểu là nhằm vào Trung Quốc và các hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ấn Độ cũng tin rằng "khi các quốc gia đưa ra những cam kết quốc tế, họ phải tuân thủ các cam kết đó," trong đó có tự do đi lại, thương mại không bị cản trở và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Như vậy một lần nữa, Ấn Độ và ASEAN lại có quan điểm hài hòa với nhau về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tầm nhìn ASEAN rõ ràng chứa đựng một cách tiếp cận bao trùm đối với khu vực này, bởi họ chủ trương "tránh làm gia tăng sự hồ nghi, tính toán sai lầm và những kiểu hành vi dựa trên trò chơi tổng bằng không.

Ấn Độ cũng tuyên bố rõ rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không phải là một câu lạc bộ độc quyền nhằm vào bất cứ quốc gia nào, mà phải mang tính bao trùm, mang lại an ninh và thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Đây cũng chính là chủ trương "tăng trưởng và phát triển cho tất cả trong khu vực" của Thủ tướng Narendra Modi.

Ông Modi đã nêu chi tiết quan điểm này trong rất nhiều chuyến công du khu vực, kể cả chuyến thăm gần đây đến Maldives.

Cuối cùng, Tầm nhìn ASEAN nhấn mạnh mục tiêu của an ninh và ổn định là tăng trưởng và phát triển lâu dài cho tất cả các nước trong khu vực thông qua tăng cường kết nối, đẩy mạnh thương mại và đầu tư.

Trong khi đó, Ấn Độ chủ trương rằng thương mại tự do, công bằng và cân bằng thông qua việc duy trì các luật lệ của cuộc chơi đóng vai trò hết sức quan trọng, nhằm loại bỏ sự mất cân bằng nghiêm trọng và chia sẻ thịnh vượng cho tất cả, chứ không chỉ giới hạn ở một số nước. Tất nhiên, liệu ASEAN và các nước khác trong khu vực có thể đảm bảo sự công bằng như vậy hay không là điều mà các bên cần phải nỗ lực để đạt được.

Điều đáng chú ý là Tầm nhìn ASEAN không nêu đích danh bất cứ quốc gia nào. Tầm nhìn này không phải là một chiến lược mới của ASEAN mà là sự tiếp nối những mục đích và mục tiêu của ASEAN trong những thập kỷ qua.

Tài liệu này đề cập rõ là sẽ không có cấu trúc mới nào được thiết lập, mà những cấu trúc hiện hành sẽ được tận dụng tối đa để đạt được một số mục tiêu nêu trong Tầm nhìn.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sẽ là một diễn đàn như vậy, nơi không chỉ có sự góp mặt của Trung Quốc và Nhật Bản mà có cả Mỹ và Nga.

Bên cạnh đó, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cộng (ADMM +) cũng sẽ phát huy vai trò trong các vấn đề an ninh và quốc phòng.

Có sự tương đồng và song trùng lớn cả về nhận thức và cách tiếp cận giữa các lập trường của Ấn Độ và ASEAN đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ và ASEAN còn có một điểm chung khác, đó là cả hai đều là các cường quốc tầm trung hoặc đóng vai trò cân bằng, không muốn ở vào vị trí phải chọn phe giữa các nước lớn. Như tất cả chúng ta đều biết và thấy rõ, trong bối cảnh hiện nay, ngày càng khó để đu dây mà không bị ngã. Các quốc gia riêng lẻ hoặc các nhóm quốc gia đang chịu sức ép phải đứng về bên này để chống bên kia. Điều này gây khó cho cả Ấn Độ lẫn ASEAN.

Do đó, các cường quốc giữ vai trò cân bằng hiện nay cần phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Ấn Độ cần nhanh chóng nắm bắt thời cơ ASEAN công bố Tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và mở ra một cuộc đối thoại mới với nhóm 10 quốc gia thành viên này để có thể phối hợp hơn nữa các lập trường của hai bên trong vấn đề hết sức hệ trọng này. Chúng ta sẽ có thêm tiếng nói và vị thế trong vấn đề này bằng cách phối hợp với nhau thay vì đứng riêng lẻ.

Bởi vậy, Ấn Độ và ASEAN cần sớm tổ chức một cuộc đối thoại kênh 1 (cấp ngoại giao chính thức) liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục